Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy nội địa quốc tế, cửa khẩu đường bộ quốc tế, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư xây dựng cảng cạn phải tuân theo quy hoạch phát triển cảng cạn được duyệt, quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và các quy định khác có liên quan. Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn. Dựa theo quy hoạch tổng thể, Bộ Giao thông vận tải đề ra quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn, bao gồm: vị trí cảng cạn, vai trò, chức năng của cảng cạn, quy mô của cảng cạn, công suất của cảng cạn, phương án kết nối hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền công bố mở, đóng cảng cạn. Điều kiện công bố mở cảng cạn khi chủ đầu tư có đầy đủ hồ sơ theo quy định và kết cấu hạ tầng cảng cạn đã được đầu tư xây dựng và nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định. Các trường hợp đóng cảng cạn là khi vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc các lý do đặc biệt khác; vì cảng cạn không còn đủ điều kiện hoạt động theo quy định theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến quản lý hoạt động của cảng cạn; vì theo đề nghị của chủ đầu tư. Đối với việc quản lý khai thác cảng cạn, doanh nghiệp khai thác cảng cạn tự tổ chức khai thác hoặc ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ vận tải kết nối với cảng cạn theo quy định pháp luật, đồng thời phải đảm bảo việc kết nối giao thông giữa cảng cạn với giao thông ngoài khu vực được thuận tiện, an toàn. Đối với kết cấu hạ tầng cảng cạn đầu tư bằng vốn nhà nước được cho thuê khai thác từng phần hoặc toàn bộ. Giá cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá, do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Bên thuê có quyền cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài thuê lại một phần kết cấu hạ tầng cảng cạn đã thuê theo quy định pháp luật và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của bên cho thuê trước khi tiến hành cho thuê lại.
Về quy định quản lý hoạt động của cảng cạn, chủ đầu tư cảng cạn hoặc doanh nghiệp quản lý khai thác cảng cạn căn cứ quy định của pháp luật có liên quan, và điều kiện đặc thù tại cảng cạn để ban hành “Nội quy cảng cạn” nhằm mục đích bảo đảm hiệu quả khai thác chung, đảm bảo an toàn, an ninh, phòng, chống cháy, nổ; chống buôn lậu, gian lận thương mại; trốn thuế và bảo vệ môi trường trong hoạt động tại cảng cạn. bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tại cảng cạn. theo đó, các doanh nghiệp khai thác cảng cạn có trách nhiệm điều hành hoạt động của cảng cạn theo quy định pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại… Đối với các cơ quan quản lý nhà nước gồm Hải quan, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật… có trách nhiệm thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của Bộ ngành mình theo quy định pháp luật, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp khai thác cảng cạn; bố trí nhân sự thường trực hoặc không thường trực trong khu vực cảng cạn để đảm bảo thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, trung chuyển, kiểm dịch y tế thông qua khu vực cảng cạn một cách nhanh chóng, kịp thời.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014.