Đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; các cơ quan, tổ chức nơi chuyên gia khoa học công nghệ làm việc. Trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.
Thông tư quy định, các chuyên gia khoa học công nghệ khi làm việc ở Việt Nam phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động, Giấy phép này do Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức in và thực hiện thống nhất. Chuyên gia khoa học công nghệ vào Việt Nam làm việc với thời gian dưới 30 ngày thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Cơ quan, tổ chức nơi chuyên gia khoa học công nghệ làm việc phải xin cấp phép lao động trước khi chuyên gia bắt đầu làm việc tại Việt Nam ít nhất 10 ngày làm việc. Giấy phép có thời hạn tối đa là 02 năm; được cấp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.
Giấy phép sẽ hết hiệu lực khi hết thời hạn; hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa cơ quan, tổ chức và chuyên gia khoa học công nghệ hết thời hạn hoặc chấm dứt; nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của Giấy phép đã cấp; khi chuyên gia khoa học công nghệ bị phạt tù, chết hoặc khi có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử chuyên gia khoa học công nghệ làm việc tại Việt Nam...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2015. Đối với chuyên gia khoa học công nghệ đã được cấp giấy phép lao động theo quy định của Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà giấy phép đó vẫn còn hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng cho đến khi giấy phép lao động hết thời hạn mà không phải đổi giấy phép lao động mới.