Theo Thông tư, các khoản nợ được mua, bán phải đáp ứng các điều kiện sau: Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật; không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.
Thông tư cũng quy định nguyên tắc thực hiện mua, bán nợ: Hoạt động mua, bán nợ không trái với nội dung quy định tại hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm đã ký kết giữa bên bán nợ, khách hàng và bên bảo đảm. Hoạt động mua, bán nợ do các bên tự thỏa thuận, tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định lựa chọn một trong các phương thức mua, bán nợ sau: (1) Thỏa thuận: thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán nợ và bên mua nợ hoặc gián tiếp thông qua bên môi giới. (2) Đấu giá: bên bán nợ thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hoặc tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2015.