Liên kết website

Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ban hành ngày 17/10/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.

25/11/2011

Ngày 17/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) trong đó quy định hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế và nhiều mức phạt nặng khi cá nhân, doanh nghiệp trốn đóng BHYT.

Các hành vi được coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế bao gồm: Vi phạm về đóng, thu BHYT; Vi phạm về cấp, cấp lại, đổi thẻ và sử dụng thẻ BHYT; Vi phạm về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT, công tác giám định BHYT; Vi phạm về quản lý, sử dụng quỹ BHYT; Vi phạm về báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu về BHYT; Vi phạm các quy định về thanh tra, kiểm tra, cản trở hoạt động quản lý Nhà nước về BHYT.

Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức không đóng bảo hiểm cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế có mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng khi vi phạm đến 10 lao động; mức phạt từ 01 đến 05 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 đến 50 lao động… và mức phạt tối đa có thể lên đến 30 triệu đồng khi doanh nghiệp, tổ chức không đóng bảo hiểm cho từ 1.001 lao động trở lên.

Từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng là mức phạt đối với hành vi sử dụng quỹ bảo hiểm y tế sai quy định có giá trị từ 01 tỉ đồng trở lên và hành vi đơn phương dừng hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà mức vi phạm có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên.

Mức phạt cao nhất từ 32 triệu đồng - 40 triệu đồng áp dụng đối với hành vi xác nhận không đúng mức đóng của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (với mức vi phạm có giá trị từ 150 triệu đồng trở lên); hành vi áp sai về giá, ghi sai chủng loại, đơn vị, tên dịch vụ kỹ thuật trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (với mức vi phạm có giá trị từ 120 triệu đồng trở lên).

Doanh nghiệp, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định; buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng BHYT mà đối tượng tham gia BHYT đã phải tự chi trả; buộc nộp số tiền chưa đóng và lãi phát sinh của số tiền chưa đóng, chậm đóng vào tài khoản thu của quỹ BHYT. Đối với hành vi đóng bảo hiểm y tế không đủ số người có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng khi vi phạm không đóng BHYT đối với mỗi người lao động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2011.

Các tin đã đưa ngày: