Liên kết website

Thông tư số 29/2011/TT-LĐTBXH ngày 24/10/2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề

28/11/2011

Thông tư quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề đối với trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề; việc bổ sung hoạt động dạy nghề; nộp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề.

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề được Thông tư quy định cụ thể như sau:

Đối với các nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề: Các nghề đăng ký hoạt động phải có trong danh mục nghề đào tạo do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành; có cơ sở vật chất phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo và được thiết kế theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam; có đủ thiết bị dạy nghề; đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.

Đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp nghề: Yêu cầu có cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo sơ cấp nghề; đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; đảm bảo tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 20 học sinh trên 01 giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho từng nghề được tổ chức đào tạo.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề, trường cao đẳng, trường đại học sẽ do Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp ; Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề đối với trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục khác và doanh nghiệp.

Trường hợp bổ sung đăng ký hoạt động dạy nghề, các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, phải thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề trong những trường hợp sau: Tăng quy mô tuyển sinh của từng nghề đối với trình độ cao đẳng nghề; bổ sung nghề đào tạo; bổ sung hoặc thay đổi trình độ đào tạo hoặc điều chỉnh quy mô tuyển sinh giữa các trình độ đào tạo và giữa các nghề trong cùng nhóm nghề; chia, tách, sáp nhập hoặc có sự thay đổi giấy phép đầu tư; chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu/cơ sở đào tạo khác; thành lập phân hiệu/cơ sở đào tạo mới; mở thêm địa điểm dạy nghề mới hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động dạy nghề.

Trường hợp các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề chấm dứt hoạt động phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề đã cấp khi cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012, thay thế Quyết định số 72/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/12/2008 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề.

Các tin đã đưa ngày: