Nghị định số 04/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. ">
Liên kết website

Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng

02/04/2013

Ngày 07/01/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Theo đó, Công chứng viên phải hành nghề chuyên trách, không được đồng thời hành nghề khác, không được kiêm nhiệm các chức danh tư pháp như luật sư, đấu giá viên, trọng tài viên, thừa phát lại hoặc các chức danh tư pháp khác.

Công chứng viên đang hành nghề công chứng có nghĩa vụ tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm. Thời gian bồi dưỡng tối thiểu là ba ngày. Công chứng viên hoàn thành lớp bồi dưỡng thì được cấp Giấy chứng nhận.

Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng có nhu cầu được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề tại Văn phòng công chứng thì trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên phải kèm theo giấy tờ chứng minh là đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng. Công chứng viên của Phòng Công chứng đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng không quá một năm thì vẫn được giữ chức danh công chứng viên và có thể thành lập Văn phòng công chứng hoặc tham gia Văn phòng công chứng đang hoạt động.

Luật sư được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng thì khi làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng hoặc bổ sung thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng hoặc ký hợp đồng làm việc với Văn phòng công chứng phải có xác nhận của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc đã rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và giấy tờ chứng minh đã chấm dứt hành nghề luật sư.

Hoạt động công chứng phải thực hiện dưới hình thức Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng. Khuyến khích thành lập các Văn phòng công chứng, chỉ thành lập Phòng công chứng trong trường hợp không phát triển được Văn phòng công chứng. Phòng công chứng và Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập có nhu cầu chuyển đổi thành Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có hồ sơ đề nghị chuyển đổi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nghị định cũng quy định về trường hợp bị tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng

Mức thu phí công chứng được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng trong phạm vi toàn quốc. Mức thu, chế độ quản lý, sử dụng phí công chứng do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2013 và thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng. Bãi bỏ: Các quy định về tổ chức và hoạt động công chứng tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực; quy định tại Điểm 1.a Khoản 10 Điều 2 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần; quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 37 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Các tin đã đưa ngày: