Liên kết website

Thông tư số 13/2013/TT-BCT Ngày 09/7/2013 của Bộ Công Thương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2011/TT-BCT ngày 31/5/2011 quy định về xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ

29/08/2013

Ngày 09/07/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 13/2013/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2011/TT-BCT ngày 31/05/2011 quy định về xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ.

 

Tại Thông tư này, Bộ Công Thương bổ sung yêu cầu phải rà soát các nội dung liên quan đến bình đẳng giới và vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trước khi đăng ký vào Chương trình xây dựng VBQPPL của Bộ. Trường hợp xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới, các đơn vị dự kiến đăng ký cần dự kiến những chính sách và biện pháp để thực hiện bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới; xác định nguồn nhân lực, tài chính cần thiết để triển khai thực hiện bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng VBQPPL của đơn vị mình. Bên cạnh đó, Bộ cũng bổ sung quy định phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình soạn thảo VBQPPL.

Theo quy định tại Thông tư, trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, đơn vị chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, có thể bằng các hình thức: lấy ý kiến trực tiếp; gửi dự thảo để góp ý; tổ chức hội thảo; thông qua trang thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Công Thương hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với dự án luật, pháp lệnh, đơn vị chủ trì soạn thảo phải gửi dự thảo đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để lấy ý kiến. Trong đó, cần lấy kiến của Bộ Tài chính về nguồn tài chính, ý kiến của Bộ Nội vụ về nguồn nhân lực, ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tác động môi trường, ý kiến của Bộ Ngoại giao về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, ý kiến của Bộ Công an liên quan đến an ninh, trật tự…

Thông tư cũng nêu rõ, trong quá trình soạn thảo các dự thảo VBQPPL có quy định về thủ tục hành chính (TTHC), cơ quan soạn thảo phải thực hiện đánh giá tác động đối với quy định về TTHC theo các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và các chi phí tuân thủ TTHC...

Thông tư cũng bổ sung quy định về hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản quy phạm pháp luật phải được hợp nhất về mặt kỹ thuật với văn bản được sửa đổi, bổ sung. Các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ trì thực hiện việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị mình chủ trì soạn thảo và phối hợp với Vụ Pháp chế trình Bộ trưởng ký xác thực văn bản hợp nhất theo đúng thời gian quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các tin đã đưa ngày: