Liên kết website

Hà Nam đẩy mạnh việc xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

13/06/2016

Nhằm đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL), tiêu chí về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo 8 tiêu chí và 41 chỉ tiêu, thời gian qua, ngành Tư pháp Hà Nam đã quan tâm hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, lựa chọn nội dung thiết thực, thực hiện tốt công tác tuyên truyền PBGDPL, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhận thức, ý thức pháp luật của người dân trong xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL.

Việc thực hiện tiêu chí về PBGLPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được triển khai đồng đều ở tất cả các mặt công tác. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 864 báo cáo viên pháp luật ở ba cấp; 1.299 cộng tác viên tuyên truyền pháp luật ở thôn, khối phố; 115 cán bộ làm công tác PBGDPL tại các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Có thể thấy đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu PBGDPL ở các cấp, ngành, địa phương. Mạng lưới truyền thanh cơ sở đã phát huy vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật, đặc biệt đối với các đợt cao điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp lý của đất nước, của địa phương. Trong 3 năm qua, các cấp, các ngành đã phát hành hàng triệu tài liệu văn bản pháp luật đến các khu dân cư, góp phần nâng cao nhận thức người dân về các quy định pháp luật mới, quan trọng. Ngoài ra, do phát huy tối đa vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, tăng cường mối quan hệ phối hợp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật ở cơ sở, nên hình thức tuyên truyền pháp luật ngày càng phong phú, đa dạng, tập trung dưới các hình thức sân khấu hóa, lồng ghép trong các hoạt động tập thể, thu hút được nhiều người dân tham gia, hưởng ứng. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh việc quản lý tủ sách pháp luật, nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách, về cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, người dân địa phương. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 275 tủ sách pháp luật được đặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phòng tiếp dân của UBND các xã, phường, thị trấn và của các cơ quan. Trung bình mỗi tủ sách có 70 đầu sách các loại, điển hình có một số cơ quan có trên 200 đầu sách pháp luật (Toà Án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp…).           
Với nhiều hoạt động triển khai đồng bộ, phong phú, đi vào chiều sâu, có chất lượng, tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí về PBGDPL thời gian cũng có một số hạn chế, tồn tại. Đội ngũ cán bộ, công chức nhất là ở cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ hòa giải viên đa phần làm công tác kiêm nhiệm, còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Phương thức hoạt động, cơ chế chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn tới chất lượng công tác tuyên truyền trực tiếp, đặc biệt là ở cơ sở. Nhiều hoạt động còn nặng về hình thức; chất lượng, hiệu quả thấp, cách thức truyền tải thiếu sức thu hút đối với từng nhóm đối tượng. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa chưa có nhiều chuyển biến, chưa có nhiều tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động PBGDPL, xây dựng các thiết chế văn hóa pháp luật, áp dụng công nghệ thông tin. Việc tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự thường xuyên. Nguồn lực để thực hiện chuẩn TCPL nói chung, PBGDPL nói riêng chưa bảo đảm.
Để nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí về PBGDPL trong mục tiêu xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL trong thời gian tới, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện PBGDPL tại các địa phương thông qua hình thức phối hợp tuyên truyền, tập trung tại các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức xã, phường, thị trấn. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cơ quan hành chính các cấp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tiếp cận pháp luật; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước. Về nội dung PBGDPL, tập trung tuyên truyền pháp luật về bốn khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các quy định pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận; các dự thảo văn bản quan trọng trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua trong năm 2016. Tổ chức Ngày pháp luật năm 2016, cuộc thi hòa giải viên giỏi tỉnh Hà Nam năm 2016, lồng ghép với các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chính trị ở khu dân cư. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tổ chức các hoạt động PBGDPL, tạo thành đợt cao điểm về tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh. Tập huấn, biên soạn, phát hành các tài liệu bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bằng nhiều hình thức. Tăng cường vai trò đầu mối tham mưu, phối hợp của ngành Tư pháp - cơ quan thường trực của hội đồng và phát huy vai trò tư vấn của Hội đồng PBGDPL. Tiếp tục xây dựng và phát huy các mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai các hoạt động PBGDPL, đảm bảo tính thực chất, hiệu quả.
Thực hiện tốt, đồng bộ các tiêu chí đánh giá địa phương đạt chuẩn TCPL để góp phần thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế TCPL. Trọng tâm là thực hiện có hiệu quả tiêu chí về PBGDPL để góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ngay tại địa phương, ngày càng phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội./.
                                                                                                   Cẩm Tú
Các tin đã đưa ngày: