Liên kết website

Tỉnh Gia Lai sau 03 năm triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật

13/06/2016

Ngay khi Luật phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành (01/01/2013), ngày 27/02/2013 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành văn bản số 569/UBND-NC chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Theo đó, hàng năm Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh và các Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện đều ban hành Kế hoạch thực hiện với nhiệm vụ, nội dung, hình thức, giải pháp cụ thể. Ngoài ra Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật còn hướng dẫn các cơ quan, đoàn thể, địa phương thực hiện công tác phổ biến pháp luật theo từng chương trình, đề án, chuyên đề cụ thể như: Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Đề án ICCPR;... Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động Hòa giải ở cơ sở, phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật theo các nhóm đối tượng cụ thể như nông dân, phụ nữ, thanh niên, học sinh, người dân tộc thiểu số,
Nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được thực hiện tại các địa phương, đơn vị như tổ chức các đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật theo chuyên đề, tổ chức hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật, tọa đàm pháp luật, xây dựng chuyên mục, tin bài phổ biến, giáo dục pháp luật trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí, tuyên truyền chính sách quy định pháp luật trên loa truyền thanh, qua máy phát truyền thanh lưu động, biên soạn và cấp phát tài liệu phổ biến pháp luật dưới các dạng băng đĩa, tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp pháp luật, tuyên truyền qua hệ thống pa nô, áp phích tại các tuyến đường phố chính, đăng tải tin, bài, thông tin triển khai pháp luật, văn bản pháp luật trên Cổng thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương...
Sau 03 năm triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những chuyển biến rất tích cực và đạt được một số kết quả nhất định:
Thứ nhất về công tác của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
Đã thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh và 17/17 Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, thị xã, thành phố. 100% hội đồng đã được rà soát, kiện toàn theo Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng năm, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã tư vấn Ủy ban nhân dân ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn giải pháp triển khai nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật.
Toàn tỉnh có 470 báo cáo viên pháp luật, trong đó 71 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và 399 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; cấp xã có 2.963 tuyên truyền viên pháp luật.
Công chức tư pháp cấp huyện, 314 công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Đã xây dựng và thành lập được 158 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, 49 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật (trong đó xây dựng mới 10 CLB), 240 Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật với 8.473 thành viên (trong đó xây dựng mới 82 CLB) và nhiều loại hình Câu lạc bộ khác có lồng ghép việc phổ biến, tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn có đội ngũ Hòa giải viên, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong các trường học…
 Riêng cấp tỉnh đã tổ chức được 13 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho 1.146 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên và cán bộ tư pháp – hộ tịch.
Thứ hai, về hoạt động Ngày pháp luật
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3466/KH-UBND ngày 09/10/2013 triển khai thực hiện Ngày Pháp luật, chỉ đạo Sở Tư pháp hàng năm kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Ngày pháp luật tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu tôn vinh Hiến pháp và pháp luật; tạo sự hưởng ứng rộng khắp trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn.
Nhìn chung các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được triển khai đồng loạt, sôi nổi, rộng khắp nhất là đợt cao điểm từ ngày 01/11-09/11 hàng năm. Nhiều hình thức hoạt động đã được thực hiện như: Thi kiến thức pháp luật, tổ chức hội nghị, tọa đàm quán triệt các văn bản pháp luật, tuyên truyền pháp luật lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan thông qua băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng ngày pháp luật, thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình từ tỉnh đến cơ sở….
Kết quả, trong 03 đợt cao điểm tổ chức Ngày pháp luật (2013, 2014, 2015) đã tổ chức được hơn 1.270 cuộc tuyên truyền với hơn 92.300 lượt người tham dự, nhiều băng rôn, khẩu hiệu, được treo trên các tuyến đường, trụ sở cơ quan, đơn vị, nhiều tài liệu tuyên tuyền hưởng ứng ngày pháp luật được phát hành.
Thứ ba, kết quả công tác phổ biến pháp luật
Trong 03 năm thực hiện Luật phổ biến giáo dục pháp luật, Hội đồng PH phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013, Luật đất đai, pháp luật phòng chống tham nhũng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật hộ tịch, Luật hôn nhân và gia đình, Luật hòa giải ở cơ sở, pháp luật về giao thông, pháp luật về an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, chủ quyền quốc gia và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền, nghĩa vụ của công dân. 
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện tổng số 139.932 cuộc tuyên truyền với 4.791.429 lượt người tham dự; tổ chức 745 cuộc thi pháp luật với 536.373 lượt người tham dự; cấp phát 1.095.321 tài liệu tuyên tuyền các loại (trong đó có 1.044.737 tài liệu tiếng Việt, 46.642 tài liệu tiếng dân tộc thiểu số và 3.942 tài liệu khác); phát sóng 23.945 bản tin, bài, phóng sự, chuyên mục trên sóng truyền thanh cấp xã; đăng tải 39.290 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm:
- Đối với người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn:
Hình thức tuyên truyền chủ yếu đến người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp đến người dân (vào buổi sáng sớm, buổi tối hoặc sau khi người dân tham gia hoạt động cộng đồng vào ngày cuối tuần); phát thanh tại các xe máy truyền thông lưu động; hướng dẫn, cung cấp tài liệu pháp luật đến cán bộ ở cơ sở, những người có uy tín trong thôn, làng để thông tin, giải thích cho bà con biết và chấp hành pháp luật.
Kết quả, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động, cấp phát 310.352 tài liệu tuyên truyền (trong đó có 64.642 tài liệu được dịch ra tiếng Bana- Giarai) dành riêng cho đối tượng người dân ở vùng dân tộc thiếu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
- Đối với người lao động trong các doanh nghiệp:
Toàn tỉnh đã thực hiện được 946 hội nghị, tọa đàm, chuyên đề pháp luật với 23.799 lượt người tham dự; 554 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, giải đáp pháp luật, buổi phổ biến giới thiệu văn bản pháp luật với 27.298 lượt người tham dự; tổ chức được 17 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 26.388 lượt người tham dự; cấp phát 18.918 tài liệu tuyên truyền các loại, nội dung tuyên truyền về Luật doanh nghiệp, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm Y tế và các chính sách pháp luật khác hỗ trợ cho doanh nghiệp; cẩm nang Trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp.
- Đối với nạn nhân bạo lực gia đình:
Thành lập được 240 Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật (CLB) với 8.473 thành viên bao gồm: CLB Phòng, chống bạo lực gia đình, CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB Chi hội phụ nữ không bạo lực gia đình, CLB phòng chống mua bán người và trẻ em... Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 52 hội nghị, tọa đàm, chuyên đề pháp luật cho 1.158 lượt người tham dự; 11 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, giới thiệu Hiến pháp, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình cho 180 nữ chủ nhiệm CLB liên quan đến pháp luật và hội viên, phụ nữ; cấp phát 18.328 tài liệu tuyên truyền các loại dành cho đối tượng là phụ nữ.
-Đối với người khuyết tật:
Thực hiện được 16 hội nghị, tọa đàm, chuyên đề pháp luật với 480 lượt người tham dự; cấp phát 79 tài liệu tuyên truyền các loại, lắp đặt 65 biển và 65 hộp tin trợ giúp pháp lý tại 65 xã, phường, thị trấn thuộc 07 huyện, thị, thành phố góp phần quan trọng để người khuyết tật đang cư trú tại các địa phương biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình;
- Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc:
Tập trung tuyên truyền vào các chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa nhập cộng đồng sau khi ra tù, cảm hóa, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho phạm nhân... thông qua các hình thức: lớp học giáo dục pháp luật, lồng ghép trong chương trình học văn hóa, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng, hệ thống truyền thanh, truyền hình của phân trại... tổ chức 867 hội nghị, tọa đàm chuyên đề pháp luật 34.494 lượt người tham dự, 208 lớp, buổi phổ biến, giới thiệu văn bản pháp luật, tập huấn kiến thức pháp luật, giải đáp pháp luật cho 2.178 lượt người.
- Đối với người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo:
Tuyên truyền pháp luật về Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự.... thông qua các hình thức phổ biến, giáo dục trực tiếp, tổ chức được 63.614 cuộc cho 93.582 lượt người.
 Về hoạt động giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được đẩy mạnh:
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh trong các cơ sở giáo dục được thực hiện chủ yếu thông qua đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động như tạo diễn đàn, liên hoan các đội tuyên truyền xung kích như (“Khi tôi 18”, “Ngày hội thanh niên với văn hoá giao thông”, “Nói không với bạo lực học đường”...)
Các nội dung trọng tâm phổ biến, giáo dục pháp luật đến học sinh, sinh viên là Luật giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ luật hình sự, Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em; các quy định pháp luật khác về phòng chống ma túy, an ninh học đường, tệ tạn xã hội... kết quả toàn tỉnh đã tổ chức được 6.955 buổi tuyên truyền cho 1.064.817 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh các em học sinh trên toàn tỉnh, qua đó tạo được môi trường giáo dục lành mạnh, giúp các em tự hoàn thiện mình trong cuộc sống.
Thứ tư, Về đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật
Từ năm 2013-2016, UBND tỉnh đã cấp cho Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật  tỉnh 2.128.000.000 đồng (Hai tỉ một trăm hai mươi tám triệu đồng) để triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và các Đề án.
Tại cấp tỉnh, kinh phí được cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tại cấp huyện và cấp xã, kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhìn chung mới đáp ứng một phần của yêu cầu nhiệm vụ còn một số đơn vị vẫn chưa bố trí được kinh phí phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật .
            Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn gặp phải một số khóa khăn hạn chế:
            Một là, Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có nơi, có lúc triển khai còn dàn trải, thiếu trọng tâm, chưa có chiều sâu, chưa đồng bộ hoặc đã xây dựng kế hoạch nhưng triển khai còn quá hình thức, thiếu sự liền mạch dẫn đến lãng phí về nguồn lực, chi phí mà chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
Hai là, Tỷ lệ đội ngũ thường xuyên làm công tác, phổ biến, giáo dục pháp luật (báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên) còn mỏng so với tỷ lệ dân cư của tỉnh. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ làm công tác, phổ biến, giáo dục pháp luật  chưa đồng đều, thể hiện ở tần suất tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, thuyết phục, khả năng thu hút, truyền tải thông tin còn hạn chế. Thêm vào đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên đôi lúc chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật .
Ba là,  Hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều cải tiến, thay đổi bứt phá; việc xây dựng tài liệu phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế như: số lượng tài liệu cấp phát còn hạn chế, chưa phù hợp với đối tượng hướng tới hoặc phương pháp khai thác, sử dụng tài liệu chưa hiệu quả... nên phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và tiếp nhận thông tin pháp luật của đối tượng cần phổ biến pháp luật.
Bốn là, Việc duy trì công tác phối hợp triển khai một số văn bản liên tịch giữa các ngành, các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc thiếu sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, nhịp nhàng dẫn đến hiệu quả phối hợp PBPL đôi khi bị hạn chế.
            Năm là, Công tác thống kê, báo cáo chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo chậm tiến độ, báo cáo không đầy đủ hoặc số liệu thống kê thiếu chính xác.
Sáu là, Về hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Tổ thư ký Chương trình hành động và các Đề án của Chương trình còn chưa cao, chưa có sự chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Những hạn chế, khó khăn xuất phát từ nhận thức, công tác phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện của các cấp, ủy, Đảng, chính quyền; xuất phát từ hạn chế về nguồn lực, về cách thức tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ. Ngoài ra cũng xuất phát từ một số quy định của Luật phổ biến giáo dục pháp luật còn một số điểm còn hạn chế:
Thứ nhất, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật về một trong các tiêu chuẩn của báo cáo viên pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể: ”Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm”. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn công tác trong lĩnh vực pháp luật cụ thể là trong các lĩnh vực nào, vị trí công tác nào, đơn vị nào, cứ là công chức làm việc trong cơ quan nhà nước là được hay phải làm tại các bộ phận pháp chế thì mới coi là công tác liên quan đến pháp luật.
Thứ hai, Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư số 21/2013/TT-BTP thì cơ quan, tổ chức lựa chọn, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trình Lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, lập hồ sơ gửi Sở Tư pháp tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật. Như vậy, quy định này thuộc về quyền của các cơ quan, tổ chức chứ không phải là trách nhiệm cử cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn làm báo cáo viên.
Trường hợp đối với những lĩnh vực pháp luật chưa có báo cáo viên pháp luật, nhu cầu thực tế cần mà cơ quan, tổ chức có cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn nhưng không giới thiệu cán bộ, công chức để làm thủ tục xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật thì có giải pháp nào để củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật theo nhu cầu hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Cá nhân, cơ quan nào được yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức cử cán bộ, công chức để xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật. Cơ quan, tổ chức không cử cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm nào không?
Từ các hạn chế đã nêu trên:
Đối với bất cập quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật về một trong các tiêu chuẩn của báo cáo viên pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể như đã nêu trên Đề nghi Bộ Tư pháp sớm ban hành văn bản hướng dẫn công tác Báo cáo viên trong lĩnh vực pháp luật, cụ thể là trong các lĩnh vực nào, vị trí công tác nào, đơn vị nào, cứ là công chức làm việc trong cơ quan nhà nước là được hay phải làm tại các bộ phận pháp chế thì mới coi là công tác liên quan đến pháp luật.
Đối với bất cập tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 21/2013/TT-BTP để đảm bảo việc công nhận báo cáo viên đúng trình tự, thủ tục đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo việc lập hồ sơ, xác định trách nhiệm của của cơ quan, ban ngành trong việc lập hồ sơ cử Báo cáo viên pháp luật
Đối với trường hợp những lĩnh vực pháp luật chưa có báo cáo viên pháp luật, nhu cầu thực tế cần mà cơ quan, tổ chức có cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn nhưng không giới thiệu cán bộ, công chức để làm thủ tục xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật đề nghị có giải pháp để củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật theo nhu cầu hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp phải triệt để, không nên chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Hằng năm không chỉ tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp mà cơ quan, đơn vị nào không được cấp kinh phí thì cần lồng ghép với công tác khác của cơ quan, đơn vị mình để thực hiện phổ biến pháp luật.
Ðể sớm khắc phục tình trạng những bất cập về quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã nêu trên, cần nhanh chóng đưa chủ trương xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào cuộc sống. Cần sửa đổi Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NÐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 21/2013/TT-BTP theo hướng có chính sách khuyến khích phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc hỗ trợ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ./.

Vũ Ngân
Các tin đã đưa ngày: