Liên kết website

Thừa Thiên Huế: Kết quả 03 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật

26/07/2016

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Qua 3 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, có thể nhận thấy những chuyển biến tích cực trong công tác này.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm và tăng cường thực hiện
Lãnh đạo các ngành, các cấp đã dành sự quan tâm thích đáng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đó là kết quả nhận thấy rõ sau 3 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Nếu như trước đây, công tác này được các cơ quan mặc nhiên như là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, thậm chí có ý kiến cho rằng, các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc các vấn đề liên quan đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì nên giao trọn cho Tư pháp thực hiện. Tuy nhiên, từ khi Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành và khẳng định “Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt”, nhận thức của các ngành, các cấp đã chuyển biến rõ rệt. Các kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật được các cơ quan, địa phương ban hành và triển khai hàng năm với kết quả gần như 100%. Nhiều cơ quan chủ động đưa pháp luật đến cán bộ, nhân dân bằng nhiều hình thức. Các đạo luật chuyên ngành, quan trọng hoặc liên quan thiết thực đến đời sống người dân đều được triển khai, tuyên truyền. Có cơ quan định kỳ hàng tháng tổ chức quán triệt các văn bản pháp luật mới để công chức, viên chức, người lao động nắm bắt và áp dụng kịp thời vào công việc. Có cơ quan thường xuyên cập nhật, đăng tải bài giảng pháp luật với phần mềm powerpoit để các đơn vị cơ sở sử dụng, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Cũng có đơn vị hạn chế về kinh phí nhưng với tâm huyết của mình, sưu tầm tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật từ các cơ quan khác để cung cấp hoặc phô tô cung cấp cho người dân. Ở địa phương, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng đến cơ sở và các đơn vị dân cư. Các huyện, thị xã, thành phố phân công lực lượng trực tiếp phối hợp với từng xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp đến tận người dân...
Từ sự định hướng của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác này được triển khai một cách toàn diện đến các đối tượng, cá lĩnh vực, nhưng đồng thời bảo đảm có tính trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh việc xác định rõ “Công dân có quyền được thông tin về pháp luật”, Luật đã chú trọng đến các nhóm đối tượng đặc thù cần được quan tâm trong công tác này, như: Người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; gười đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo và giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Với quy định rõ ràng như trên, các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã chủ động, tập trung tuyên truyền, phổ biến cho các đối tượng đặc thù, mang lại những kết quả tích cực.
Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được vận dụng phong phú, đa dạng, phù hợp với mục đích, đối tượng, địa bàn tuyên truyền. Trước đây, khi nói đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, không ít người cho rằng, đó là công việc của những người đi tuyên truyền trực tiếp về pháp luật cho nhân dân. Tuy nhiên, với quy định rất rõ ràng của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các hình thức phổ biến đã được các cơ quan, địa phương áp dụng phù hợp. Một số cơ quan đã triển khai cùng lúc nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng (hội thi kết hợp với văn nghệ, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tăng cường hoạt động của các Câu lạc bộ, Trung tâm tư vấn pháp luật, hướng nghiệp ở địa phương…). Có những địa phương nắm bắt đặc điểm đa số người dân bận công việc vào buổi ngày nên để tập hợp được bà con, các đơn vị không ngại triển khai vào buổi đêm, ngay tại các khu chợ hoặc các khu dân cư. Đặc biệt, hiệu quả từ triển khai Ngày pháp luật hàng năm đã trở thành điểm nhấn quan trọng, thật sự là ngày hội của người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật….
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật vào thực tiễn
Bên cạnh kết quả đạt được, trong triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những vấn đề khó khăn, hạn chế. Một số đơn vị còn lúng túng trong thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặc dù nhiệm vụ này đã được triển khai thực hiện từ trước khi có Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian khá dài, và được tăng cường hơn kể từ khi có Luật. Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương vẫn lúng túng trong lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp triển khai để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt, sự khó khăn về nguồn lực, kinh phí cũng làm hạn chế đáng kể hiệu quả của công tác này. Việc đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Một số quy định của Luật thiếu rõ ràng, thống nhất cũng làm hạn chế công tác triển khai, như: Quy định về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, các chế độ, chính sách liên quan…
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, đầu tiên cần khắc phục các vướng mắc trong triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác xã hội hóa cần xác định rõ nội dung, giải pháp để thực hiện. Công tác quản lý, sử dụng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật hợp lý, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ.
Nâng cao tính chủ động của các ngành, các cấp. Đây là vấn đề quan trọng, các cơ quan, địa phương cần căn cứ Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các chương trình, kế hoạch dài hạn cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương mình để chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; tránh tình trạng bị động, trông chờ vào kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên.
Củng cố các nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, cần chú trọng đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác này, đặc biệt là đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, phát huy năng lực của họ để chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân ở địa phương kịp thời. Nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ này, trong một số lĩnh vực đặc thù, không ít lần các ngành, các địa phương vẫn “phàn nàn” về tình trạng không có Báo cáo viên pháp luật để triển khai, làm trở ngại, ảnh hưởng công việc chung. Một số báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động còn mang tính hình thức hoặc tránh né bởi tâm lý “Bụt nhà không thiêng”.
Xác định rõ mục đích ưu tiên để tập trung đầu tư tuyên truyền, phổ biến. Đối tượng cần được tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất nhiều, rất đa dạng. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn cần tập trung vào những vấn đề nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, cũng như xác định đối tượng để tập trung tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật. Trong đó, vẫn cần thiết dành nguồn lực cho các đối tượng đặc thù.
……………………………………………..
Nguyễn Thị Đào – Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế
Các tin đã đưa ngày: