Liên kết website

Sở Tư pháp Nam Định: phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực

24/04/2012

Thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Sở Tư pháp Nam Định đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, trong đó có hoạt động tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình, với mục đích là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình.

Hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật xây dựng Chương trình, kế hoạch, hoạt động của Hội đồng, trong đó có nội dung liên quan đến pháp luật phòng chống bạo lực gia đình triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo và hướng dẫn Phòng tư pháp các huyện tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và UBND cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện và áp dụng pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình đến các xã, phường, thị trấn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức các Hội nghị tập huấn cho cán bộ Tư pháp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về những vấn đề cơ bản của Luật phòng, chống bạo lực gia đình và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ động khai thác và tổ chức biên soạn, cung cấp tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình… Đặc biệt, mỗi năm Sở đã phát hành 4 số Bản tin Tư pháp trong đó có các tin bài về pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình; phát hành các tập đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật đến báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, các huyện, thành phố làm tài liệu tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân tại đơn vị, địa phương trong đó có các nội dung pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong công tác phối kết hợp triển khai thực hiện Luật, Sở đã tích cực phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đến cán bộ, công chức và nhân dân trong đó chú trọng đến đối tượng người phụ nữ địa bàn vùng nông thôn vì người phụ nữ ở nông thôn đa số làm nghề nông ở nhà, về kinh tế thường gắn bó thậm chí phụ thuộc chặt chẽ vào gia đình nhà chồng, công việc bận rộn, ít giao lưu, học vấn không cao nên họ cũng ít có điều kiện tiếp cận với pháp luật, ít được biết những quy định pháp luật về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình, về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng chú ý tuyên truyền đến đối tượng nam giới để họ thấy rằng: Ví dụ như hành vi chồng đánh vợ là phạm pháp, có thể bị coi là tội phạm hình sự, từ đó xây dựng nhận thức cho đối tượng tuyên truyền là không được giải quyết vấn đề trong gia đình bằng bạo lực.

Phát huy hiệu quả của hoạt động hoà giải ở cơ sở trong việc giải quyết những mẫu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, đặc biệt là hoà giải những vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, hạn chế thấp nhất bạo lực gia đình xảy ra, Sở đã thường xuyên hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ hoà giải và các hoà giải viên, kiểm tra công tác hoà giải ở cơ sở, tiến hành củng cố, kiện toàn đội ngũ hoà giải ở cơ sở. Hiện nay toàn tỉnh Nam Định có 3.573 tổ hoà giải với 20.676 hoà giải viên . Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã hoà giải thành hàng chục ngàn vụ tranh chấp, xích mích, trong đó các vụ liên quan đến gia đình tỷ lệ hoà giải thành là trên 85,5%.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình, đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp cùng các ngành hữu quan rất chú trọng mô hình Câu lạc bộ, đặc biệt là câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, cung cấp thông tin tài liệu pháp luật nói chung và tài liệu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng giúp nâng cao nhận thức, đấu tranh ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình. Đồng thời, mô hình câu lạc bộ cũng sẽ là các địa chỉ hỗ trợ nạn nhân tin cậy, can thiệp kịp thời các trường hợp bị bạo lực gia đình.

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với ban ngành, các cơ quan báo chí tiến hành tuyên truyền pháp luật về lao động thông qua chuyên trang, chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên báo Nam Định, Đài PTTH  tỉnh, đài Phát thanh huyện, thành phố và cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình.

Đối với công tác trợ giúp pháp lý: cùng với các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, phụ nữ luôn là mối quan tâm trong chính sách trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý đặc biệt là phụ nữ nạn nhân của nạn bạo lực gia đình. Do vậy, hàng năm Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiến hành trợ giúp pháp lý miễn phí (tại chỗ và lưu động) hàng trăm buổi cho hàng nghìn lượt người nghèo và người có chế độ chính sách, cho các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nạn nhân của nạn bạo lực gia đình; tiến hành phổ biến pháp luật, giải đáp thắc mắc pháp luật trên các lĩnh vực pháp luật trong đó chú trọng đến các vấn đề liên đến hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực gia đình, các quy định hình sự về gia đình, trẻ em...giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật từ đó tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngăn ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong mỗi gia đình. Cụ thể trong năm 2011, trong tổng số 1.105 vụ việc trợ giúp pháp ý thì có 324 trường hợp là phụ nữ cần tư vấn và cần đại diện bảo vệ quyền lợi trước toà, với số vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình là 56 vụ việc. Đặc biệt, mô hình Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã và đang phát huy tác dụng, hoạt động có hiệu quả với nhiều hình thức khá phong phú để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến thành viên Câu lạc bộ giúp thành viên hiểu được pháp luật, thực hiện theo pháp luật từ đó thấy được tác hại của bạo lực gia đình, nói không với bạo lực.

Có thể nói, trong những năm qua Sở Tư pháp Nam Định đã đề ra những biện pháp hữu hiệu nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực đạt được hiệu quả rõ rệt: rất nhiều các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức; Tư pháp và Hội phụ nữ cơ sở đã có sự phối kết hợp chặt chẽ trong việc hoà giải các vụ mâu thuẫn trong gia đình; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng của cán bộ, nhân dân được nâng lên./.

                           Nguyễn Tùng Mai - Sở Tư pháp Nam Định

Các tin đã đưa ngày: