Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 1.396 tổ hòa giải ở cơ sở với 8.630 tổ viên, bình quân một tổ hòa giải có 5-7 người và mỗi xã, phường, thị trấn có hơn 12 tổ hòa giải ở cơ sở. Các hòa giải viên đều hoạt động nhiệt tình, trách nhiệm không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống để tham gia tích cực và hiệu quả vào việc phổ biến pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội cho người dân ở cơ sở.
Để cung cấp tài liệu cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của hòa giải viên, hàng năm phát hành các loại tài liệu tuyên truyền như: 24 số Bản tin Tư pháp với số lượng 2.400 cuốn; 28 loại tờ rời với số lượng 2.800 tờ; 1.000 câu hỏi đáp pháp luật về hòa giải ở cơ sở; 2.286 bộ tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hòa giải. Xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện từ 04 - 08 người/huyện là những người có khả năng truyền đạt thông tin, hoạt động nhiệt tình, trách nhiệm.
Tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện một số mô hình về hòa giải ở cơ sở như: nâng cao năng lực cho hòa giải viên cơ sở; tổ hòa giải tiêu biểu xuất sắc; tổ hòa giải điển hình; tổ hòa giải điển hình điểm; tổ tự quản phụ nữ xã; tổ hòa giải điểm; tổ hòa giải cơ sở điển hình; tổ hòa giải năm tốt; tổ hòa giải điển hình tiên tiến; tổ hòa giải 2 không 3 có; tổ hòa giải 5 không; tổ hòa giải 2 tốt; tổ hòa giải 4 tốt; tổ hòa giải 3 tốt. Số lượng mô hình được đưa vào hoạt động từ năm 2019 đến nay là 55, cụ thể: năm 2020 có 26 mô hình; năm 2021 có 8 mô hình; năm 2022 có 21 mô hình. Một số mô hình đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp huyện tặng Giấy khen cho tập thể mô hình hoặc cá nhân tham gia mô hình về thành tích xuất sắc trong hoạt động mô hình.
Nhìn chung, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài. Các vụ mâu thuẫn, xích mích cần hòa giải chủ yếu liên quan về lĩnh vực đất đai; mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống; mâu thuẫn giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong dân sự, quan hệ hôn nhân và gia đình. Không có vụ tranh chấp tài sản có giá trị lớn. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở, khi được hòa giải, giải quyết kịp thời, không phát triển thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn, việc đơn giản không trở nên phức tạp, không gây âm ỉ, bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư, từ đó các mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc pháp luật được giải quyết triệt để, ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật