Liên kết website

Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở của Thành phố Hải Phòng được nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

25/11/2022

Thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022" (ban hành tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ), Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành các Kế hoạch triển khai Đề án nghiêm túc, hiệu quả.

 
- Từ năm 2019 đến năm 2022, Sở Tư pháp đã biên soạn, in, phát hành tài liệu, đề cương, sách báo, tờ gấp pháp luật, sách bồi dưỡng nghiệp vụ cung cấp cho các Tổ hòa giải ở cơ sở: 435 bộ tài liệu phổ biến một số văn bản pháp luật được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 8; 1.200 bộ tài liệu gồm các văn bản pháp luật mới làm tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; 46.000 tờ gấp pháp luật về bình đẳng giới; 233 bộ tiểu phẩm phổ biến pháp luật về các lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, dân sự, lao động, hình sự; 4.205 cuốn sách pháp luật (18 đầu sách) phổ biến kiến thức pháp luật; 1.100 bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở sở sở dành cho đội ngũ hòa giải viên; 30 tiểu phẩm pháp luật sao in thành 705 bộ cấp phát tận xã, phường, thị trấn; 1.100 cuốn sách “Hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở”.
- Các quận, huyện đã biên soạn, phát hành tài liệu về hòa giải, cụ thể: Huyện An Lão cấp phát 23.000 tờ gấp pháp luật, 2.400 bộ tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; huyện Kiến Thụy cấp phát 150 cuốn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; huyện Tiên Lãng đã biên soạn, cấp phát hơn 1.260 bộ tài liệu, 5.450 tờ gấp pháp luật, sách, đề cương tuyên truyền pháp luật cho tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở; huyện Vĩnh Bảo trang bị 266 sách nghiệp vụ và 300 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật cho các tổ hòa giải ở cơ sở; cung cấp Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho 266 tổ hòa giải…
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị lập danh sách tập huấn viên cấp thành phố và cấp huyện để hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cơ sở. Hiện nay có 05 tập huấn viên cấp thành phố; 98 tập huấn viên cấp huyện[1]. Đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên sát với thực tiễn và nhu cầu của hòa giải viên.
- 100% Tổ hòa giải được công nhận đúng theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Đến nay, thành phố có 1.987 Tổ hòa giải với 11.092 hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hòa giải ở cơ sở.
- Thực hiện chỉ đạo điểm về nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở: Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện chọn 04 quận (Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến An, Lê Chân) và 04 huyện (Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Cát Hải, Tiên Lãng) thực hiện chỉ đạo điểm. Hòa giải viên ở các quận, huyện được chọn làm điểm đã được tập huấn chuyên sâu về pháp luật đất đai, hôn nhân và gia đình, hộ tịch, kỹ năng hòa giải, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Huyện Kiến Thụy còn tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm hòa giải các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, hôn nhân và gia đình; Thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở” để các hòa giải viên hiểu sâu, hiểu rõ hơn các vấn đề thường nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, để áp dụng vào hòa giải.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên là một trong những vấn đề cần thiết để tăng cường hiệu quả tập huấn. Nội dung bài giảng được báo cáo viên đầu tư xây dựng, sử dụng công nghệ thông tin kết hợp hình ảnh, âm thanh, video... tạo ra sự sống động, dễ tiếp thu, dễ nhớ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Sở Tư pháp tiếp tục duy trì chuyên mục “Câu chuyện hòa giải” trên Phụ trương pháp luật thành phố Hải Phòng và chuyên mục “Hòa giải cơ sở” trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử thành phố.
Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện Đề án 428 đã tạo được bước chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố; nhận thức của chính quyền, đoàn thể các cấp, của chính hòa giải viên và nhân dân trên địa bàn thành phố về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở không ngừng được nâng lên. Hòa giải viên hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, từng bước tiếp cận, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu, tra cứu cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan để vận dụng giải quyết các vụ, việc hòa giải cụ thể nảy sinh từ thực tiễn, góp phần tích cực bảo đảm ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu dân cư, hạn chế đáng kể số vụ, việc phải đưa ra Tòa án và cơ quan nhà nước giải quyết.
Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; làm tốt công tác rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đảm bảo chất lượng và đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; tiếp tục huy động các nguồn lực từ xã hội nhằm hỗ trợ hoạt động hòa giải cơ sở; gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Công văn số 1602/STP-PBGDPL ngày 11/10/2019.
Các tin đã đưa ngày: