Liên kết website

Nghệ An:  nhìn lại  kết quả  5 năm thực hiện Chương  trình phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2008 – 2012, thực trạng và giải pháp

12/11/2012

 Những kết quả đạt được

Triển khai thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ, ngày 16/7/2008 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 2989/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 – 2012; trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 20 đơn vị cấp huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình PBGDPL giai đoạn 2008- 2012 tại ngành, đơn vị mình phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của ngành, đơn vị và tổ chức thực hiện.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được kiện toàn hàng năm. Đến nay, cấp tỉnh có 39 người là thành viên; cấp huyện có 471 người là thành viên; cấp xã có 3.389 người thành viên và 734 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch.

Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL đã được quan tâm kiện toàn, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh có 114 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 684 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 679 báo cáo viên tư tưởng văn hoá; 3.351 tuyên truyền viên pháp luật cơ sở; 36.764 hòa giải viên thuộc 5.740 tổ hòa giải; 1.114 giáo viên dạy môn giáo dục công dân; 01 Trung tâm trợ giúp pháp lý và 03 chi nhánh TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách (có 17 cán bộ, công chức và hơn 500 cộng tác viên trợ giúp pháp lý). Cán bộ nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL thường xuyên được tập huấn về kỷ năng nghiệp vụ PBGDPL, văn bản pháp luật mới, được cung cấp tài liệu pháp luật nên năng lực thực hiện nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt.

 Các hình thức PBGDPL được đa dạng hóa kết hợp hài hòa giữa hình thức PBGDPL truyền thống như tuyên truyền miệng thông qua hội nghị tập huấn, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, loa truyền thanh cơ sở; tuyên truyền thông qua tài liệu, sách pháp luật phổ thông, tờ rơi, tờ gấp, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến pháp luật trong các lễ hội văn hóa truyền thống, qua trang Web của ngành, hỏi đáp pháp luật qua hộp thư điện tử. Đặc biệt việc PBGDPL được lồng ghép vào xây dựng các hương ước, quy ước tại địa phương được người dân đồng tình ủng hộ; lồng ghép  trong xây dựng quy chế của cơ quan, điều lệ của tổ chức đoàn thể, xã hội, các chương trình kinh tế xã hội đang được triển khai; phát động các đợt cao điểm, tháng cao điểm trong thưc hiện, chấp hành pháp luật như Tháng ATGT, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày pháp luật hành tháng… xây dựng các điểm sáng về chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư: Hòm thư tố giác tội phạm, Thanh niên nông thôn với phong trào ba không, xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư, bài trừ các hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan… Riêng hoạt động tuyên truyền miệng, trong 05 năm toàn tỉnh đã tổ chức được 31.400 cuộc cho các đối tượng thuộc chương trình; 100% cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quán triệt các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật mới.

Kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL cũng được quan tâm đầu tư. Kinh phí cấp tỉnh cho công tác PBGDPL mỗi năm trung bình trên 03 tỷ đồng; cấp huyện trung bình mỗi năm trên 02 tỷ đồng. Những địa bàn xẩy ra nhiều vi phạm pháp luật, những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ về kinh phí và công tác tuyên truyền pháp luật miễn phí, quan tâm hỗ trợ hệ thống máy vi tính, kết nối mạng Lan cho các xã nghèo của các huyện miền núi...

  Nhìn chung qua 05 năm thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những chuyển biến đáng kể, các mục tiêu, yêu cầu đề ra của đề án đã cơ bản hoàn thành. 80% người dân trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền pháp luật chung và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan; 95-100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình; 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động, tiền lương và hoạt động doanh nghiệp; 70% - 80% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động; 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân được trang bị kiến thức pháp luật về an ninh, quốc phòng và các quy định pháp luật khác liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ; 95% thanh thiếu niên được tuyên truyền PBGDPL liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mình.

Nhận thức của cán bộ, nhân dân đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa về pháp luật được nâng lên rõ rệt. Cán bộ, nhân dân nhận thức được những giá trị đích thực của pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, biết sử dụng pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình của mọi người và bảo vệ lợi ích của xã hội. Củng cố mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và cơ sở góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật và tình trạng người dân gửi đơn thư khiếu kiện vượt cấp do không hiểu biết pháp luật.

Những giải pháp trong thời gian tới

Để công tác PBGDPL ngày càng nâng cao hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: 

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, cơ quan truyền thông đại chúng và cán bộ, công chức chuyên trách làm nhiệm vụ PBGDPL.

2. Tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và thành viên Hội đồng ở các cấp; có chính sách hợp lý đối với thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải ở cơ sở; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc.

3. Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình điểm trên thực tế; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm chính trị cấp huyện, các trường THPT,  đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh phù hợp với từng cấp học, bậc học và trình độ đào tạo.

5. Tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch triển khai chương trình, Đề án. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Nguyễn Quế Anh – PGĐ Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An

Các tin đã đưa ngày: