Liên kết website

Kon Tum triển khai hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

15/11/2013

Triển khai thực hiện Quyết định số 417/QĐ-BTP ngày 07/2/2013 của Bộ Tư pháp về ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013, năm qua tỉnh Kon Tum đã triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đạt được những kết quả nhất định.

 

Ngay từ đầu năm. Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 05/01/2013 về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013 và nhiều văn bản khác như Quyết định số 1054/QĐ-HĐPH ngày 07/5/2013 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; Kế hoạch số 1145/KH-UBND ngày 12/6/2013 về triển khai  thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 09/8/2013 về việc thành lập Ban Tổ chức cuộc thi Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể ban  hành nhiều kế hoạch, chương trình công tác như Kế hoạch phối hợp số  21/KHPH-STP-TĐ ngày 28/6/2013 về thực hiện công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên; Chương trình phối hợp số  03/CTPH-TP-ND ngày 08/7/2013 về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho nông dân, hòa giải cơ sở giai đoạn 2013-2017; Chương trình phối hợp số 04/CTPH-TP-PN ngày 10/7/2013 về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013-2017.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã phát huy hiệu quả công tác phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã được kiện toàn và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng theo Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị địa phương chú trọng triển khai trên cả 3 mặt: Nâng cao hiểu biết pháp luật, hình thành tình cảm, niềm tin đối với pháp luật và tạo thói quan sử xự theo pháp luật. Nội dung, hình thức phổ biến được đổi mới, phong phú, đa dạng thông qua tổ chức các hội nghị, cuộc họp, giờ đọc báo, các buổi chào cờ đầu tuần, thông qua “Ngày pháp luật”, các buổi sinh hoạt công đoàn, thanh niên, qua đó các văn bản pháp luật có liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, các cơ chế liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân được quán triệt kịp thời cho đội ngũ cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng, khai thác Tủ sách pháp luật được rà soát, bổ sung các đầu sách pháp luật theo Chỉ thị số 06/2011/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 97/97 xã, phường, thị trấn xây dựng Tủ sách pháp luật, mỗi tủ sách có từ 50 đến 250 đầu sách, đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu, tìm hiểu các quy định trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân. Công tác phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng được duy trì trên Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, báo Kon Tum chuyên mục “Pháp luật và đời sống”; Công an tỉnh duy trì chuyên mục “Vì an ninh tổ quốc”, “Giáo dục an ninh quốc phòng”. Bên cạnh đó, tại các địa phương duy trì thường xuyên chương trình giải đáp pháp luật trên sóng truyền thanh, truyền hình. Các đội thông tin lưu động của 9 huyện, thành phố, trung tâm văn hóa đã lồng ghép nội dung truyên truyền pháp luật trong các hoạt động triển lãm, các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh…

Với chức năng là cơ quan chuyên môn, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả thông qua việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về “phòng, chống tham nhũng”; “chính sách pháp luật về bình đẳng giới”…phát hành 1.000 tờ gấp về Luật nuôi con nuôi, an toàn giao thông; 6.000 bản tin phổ biến, giáo dục pháp luật; 3.200 cuốn tập san Tư pháp... đồng thời đẩy mạnh tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng từ tỉnh đến cơ sở như: Hội nghị tập huấn, giới thiệu một số nội dung cơ bản Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh; Hội nghị phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy…

Có thể nói công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, hiểu biết pháp luật trong cán bộ công chức, viên chức, người dân về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Các tin đã đưa ngày: