Liên kết website

Một số nội dung mới quan trọng của dự thảo Luật Nhà giáo

27/05/2024

Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nhà giáo; xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao đạo đức và năng lực nghề nghiệp của nhà giáo; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.

Luật này quy định về nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo. Luật này áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; cơ quan quản lý giáo dục; cơ sở giáo dục; tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Giáo dục) và đạt chuẩn nhà giáo theo quy định. Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ cao đẳng trở lên và nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọi là giảng viên.
Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất nghiêm cấm nhà giáo có các hành vi như sau:
  • Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân; phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
  • Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học; xuyên tạc nội dung giáo dục;
  • Lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
  • Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật; lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
  • Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo dưới mọi hình thức;
  • Vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi sau:
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo;
- Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;
- Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng nhà giáo; phân công vượt quá thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật về lao động;
- Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức;
- Trả lương không đúng số lượng và thời gian theo hợp đồng nhà giáo; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;
- Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm lý đối với nhà giáo.
Đồng thời, dự thảo Luật Nhà giáo quy định các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo:
- Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
- Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;
- Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);
- Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.
Về chế độ làm việc của nhà giáo, dự thảo quy định, thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ Luật Lao động; nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội. Việc bố trí 08 tuần nghỉ hàng năm do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh (đối với giáo dục mầm non, phổ thông), cơ sở giáo dục (đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục nghề nghiệp) quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp điều kiện địa phương và cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, dự thảo Luật Nhà giáo có một số quy định đáng chú ý như:
  • Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp (khoản 2 Điều 40 dự thảo).
  • Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động (khoản 1 Điều 46 dự thảo).
  • Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thời gian kéo dài làm việc đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với nhà giáo có chức danh giáo sư là không quá 10 năm (khoản 1, 2 Điều 47 dự thảo).
  • Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Nhà giáo tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1649)./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: