Theo đó, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân khi tổ chức ngày kỷ niệm; trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; thực hiện nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài phải thực hiện theo các nguyên tắc sau: phải bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức; có ý nghĩa tôn vinh sự kiện, tôn vinh tập thể và cá nhân; phải mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng; gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước; phải chú trọng yêu cầu chính trị, đối ngoại, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế nhằm góp phần tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước tổ chức quốc tế. Mức độ và nghi lễ đón, tiếp các đoàn khách nước ngoài thực hiện trên cơ sở yêu cầu của chuyến thăm và nguyên tắc đối đẳng do cơ quan chủ trì tổ chức đón, tiếp kiến nghị.
Đối với các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp Nhà nước, thăm chính thức, làm việc, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chủ trì đón, tiếp có tặng phẩm tặng Trưởng đoàn khách và Phu nhân (Phu quân) đi cùng (nếu có). Tặng phẩm phải là sản phẩm do Việt Nam sản xuất, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Trường hợp đặc biệt, có tặng phẩm tặng thành viên chính thức và quan chức tùy tùng.
07 ngày lễ lớn được ghi nhận: Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch): trong dịp này Chủ tịch nước sẽ chúc Tết trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam vào thời khắc giao thừa; các ngày lễ khác: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch); Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975); Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890); Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945) nếu số năm kỷ niệm (lần thứ) của các sự kiện vào năm tròn (là năm có chữ số cuối cùng là “0”) đều tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia.
Nghị định cũng quy định cụ thể hình thức tổ chức buổi lễ về hình thức trang trí, trang phục của đại biểu tham dự buổi lễ, trình tự tiến hành lễ kỷ niệm: thông báo chương trình buổi lễ; lễ chào cờ, đại biểu dự lễ hát Quốc ca; tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng; trình bày diễn văn hoặc báo cáo; công bố quyết định khen thưởng, trao tặng, hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; …
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2013.