Nghị định số 148/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.">
Liên kết website

Nghị định số 148/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề

12/11/2013

Ngày 30/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.

 

Theo Nghị định này, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực dạy nghề đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng. Đối với hành vi tổ chức đào tạo nghề mà chưa đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền một trong các mức sau đây: Từ 40 đến 60 triệu đồng đối với trình độ sơ cấp nghề; Từ 60 đến 80 triệu đồng đối với trình độ trung cấp nghề; và từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trình độ cao đẳng nghề.

Đối với tổ chức không đăng ký hoạt động dạy nghề đối với các trường hợp bổ sung nghề đào tạo, trình độ đào tạo thì bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng; hành vi chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất cơ sở dạy nghề; thay đổi cơ quan chủ quản, chủ đầu tư của cơ sở dạy nghề; thành lập phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo mới; mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng giáo viên, giảng viên dạy thêm giờ vượt quá 50% số giờ tiêu chuẩn của năm học và hành vi làm lộ hoặc làm mất đề thi lần lượt là 10 đến 15 triệu đồng và 20 đến 25 triệu đồng; hành vi không xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo viên theo quy định hay không sử dụng hoặc sử dụng không đúng biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng.

Nếu nhà trường vi phạm các quy định về tuyển sinh như khai man hồ sơ tuyển sinh sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng; hành vi tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; hành vi vi phạm quy định về đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh học nghề sẽ bị phạt tiền với một trong các mức sau đây: từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng khi tuyển sinh sai từ 01 đến dưới 05 người; từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi tuyển sinh sai từ 05 đến dưới 10 người; ….từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi tuyển sinh sai từ 30 người trở lên.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức còn có thể bị thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập; đình chỉ hoạt động đào tạo nghề có thời hạn từ 01 - 03 tháng; buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu; buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển...
Trường hợp hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề xảy ra trước ngày 01/07/2013 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013 và thay thế Nghị định số 116/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009.

Các tin đã đưa ngày: