Liên kết website

Một số điểm mới của Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020

03/06/2021

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 13/11/2020, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật gồm 8 chương, 74 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ nhất, bổ sung người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh vào quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động và quy định về việc khai báo thông tin trực tuyến (Điều 54).

Thứ hai, thống nhất quy định về vốn điều lệ, nâng cao điều kiện đối với ký quỹ, người đại diện theo pháp luật, nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, bỏ các quy định về phương án tổ chức bộ máy và đề án hoạt động, bổ sung quy định phải duy trì các điều kiện hoạt động nêu trên trong suốt quá trình hoạt động đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo lựa chọn những doanh nghiệp thực sự có năng lực tài chính, có bộ máy đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và rất đặc thù này, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, qua đó từng bước hình thành các doanh nghiệp mạnh, có uy tín và trách nhiệm cao trong lĩnh vực hoạt động này, cụ thể: (i) Bổ sung quy định “doanh nghiệp phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động” (khoản 2 Điều 8); (ii) Bổ sung quy định doanh nghiệp “Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư”; (iii)  Sửa đổi quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; (iv)  Bổ sung quy định về nhân viên nghiệp vụ của doanh nghiệp; bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Điều 10).

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài
Để thực hiện chủ trương đào tạo nguồn nhân lực, đưa người lao động đi làm việc ở những ngành nghề có thu nhập và có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao, Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, tuyển chọn, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động, đào tạo tác phong lao động và ý thức tuân thủ kỷ luật; cho phép hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; đẩy mạnh hợp tác hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm mở thêm thị trường lao động mới, thị trường mang lại việc làm có thu nhập cao, công việc và ngành nghề giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, cụ thể:

(i) Bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động (Điều 18): Luật đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp dịch vụ được chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng lao động. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường cung ứng lao động quốc tế. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định này để tuyển chọn, đào tạo tràn lan, gây thiệt hại cho người lao động và lãng phí cho xã hội, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động (khoản 2 Điều 18), cơ chế quản lý đối với hoạt động chuẩn bị nguồn (khoản 3 Điều 18).

(ii) Bổ sung quyền của doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trong trường hợp cần thiết nhằm chuẩn bị nguồn lao động có chất lượng đi làm việc ở nước ngoài (điểm b khoản 4 Điều 18).

Thứ tư, sửa đổi khái niệm về tiền dịch vụ và các quy định liên quan đến tiền dịch vụ (Điều 23) để bảo đảm minh bạch và giảm thiểu chi phí cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bổ sung quy định về tiền dịch vụ: "Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" (khoản 3 Điều 23).

Thứ năm, bổ sung khái niệm về hợp đồng môi giới là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian về việc giới thiệu bên nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam để giao kết hợp đồng cung ứng lao động theo quy định của Luật này (khoản 1 Điều 22); không sử dụng khái niệm “tiền môi giới” mà thay bằng khái niệm “thù lao theo hợp đồng môi giới” và quy định: “Thù lao theo hợp đồng môi giới do hai bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức trần theo quy định tại khoản 3 Điều này (khoản 2 Điều 22); bỏ quy định về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ tại quy định liên quan đến thù lao theo hợp đồng môi giới.

Thứ sáu, tiếp tục kế thừa vai trò và sự cần thiết của Quỹ Hỗ trợ Xuất khẩu lao động như là một trong các quy định tài chính chủ động để kịp thời bảo vệ và hỗ trợ người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; sửa đổi các quy định nhằm mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ để bao hàm được nhiều hoạt động hỗ trợ trong bối cảnh xu thế dịch chuyển lao động quốc tế và phòng ngừa các rủi ro có tính đặc biệt như như chiến tranh, suy thoái kinh tế, dịch bệnh Covid-19, Luật đã bổ sung quy định về “Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước” là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (Điều 66). Đồng thời bỏ quy định về nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 68).

Thứ bảy, liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để: (i) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ vào việc đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực, uy tín và trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ; yêu cầu về việc doanh nghiệp dịch vụ phải công bố công khai thông tin về điều kiện hoạt động, thị trường, điều kiện tuyển chọn…; (ii) Người lao động đi theo hình thức doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu được bảo vệ tốt hơn nhờ vào các quy định chặt chẽ về ký kết hợp đồng trúng thầu, nhận thầu, hợp đồng đào tạo nghề, các quy định về báo cáo và việc đảm bảo, quyền, lợi ích của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài; (iii) Người lao động đi làm việc theo hình thức trực tiếp tìm kiếm việc làm và giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ vào việc khai báo trực tuyến về hợp đồng lao động đã ký kết ở nước ngoài, nhờ vậy cơ quan lao động và cơ quan đại diện ngoại giao có thể can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả khi có phát sinh trong quan hệ lao động ở nước ngoài. Đồng thời Luật đã bổ sung nghĩa vụ của người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải “thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh” (điểm g khoản 2 Điều 6).

Ngoài các điểm mới nêu trên, Luật cũng bổ sung thêm một số quy định liên quan đến việc ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin về lao động di cư trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính thông qua phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong quản lý doanh nghiệp. Bổ sung quy định về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với doanh nghiệp là phải có “trang thông tin điện tử” (điểm e khoản 1 Điều 10); nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc duy trì và thường xuyên cập nhật thông tin về Giấy phép, các điều kiện hoạt động (vốn, ký quỹ, người đại diện theo pháp luật, cơ sở vật chất, nhân viên nghiệp vụ, các đơn vị phụ thuộc được giao nhiệm vụ hoạt động...) trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và quy định “Thực hiện quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng mã số, tích hợp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” (khoản 4 Điều 69). Quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu trong công tác quản lý nhà nước. Hệ thống cơ sở dữ liệu được xây dựng toàn diện, thường xuyên cập nhật đầy đủ sẽ là công cụ mạnh trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp dịch vụ và theo dõi, thống kê, hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài./.
Lê Nguyên Thảo  
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: