Mô hình “Câu lạc bộ thời sự pháp luật” được xây dựng thí điểm tại phường Nghi Tân vào cuối năm 2015 với gần 120 hội viên là thành viên của Hội cựu chiến binh, nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cán bộ phường và một số bà con cốt cán trong hoạt động đoàn thể. Đến hết tháng 6/2017, cả 7/7 phường, xã của thành phố Vinh đã thành lập và ra mắt được mô hình câu lạc bộ (CLB) này. Có thể nói, đây mà một hình thức sinh hoạt pháp luật cộng đồng thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, các thành viên CLB không phân biệt độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn đều có quyền tiếp cận pháp luật thông qua hoạt động của CLB. CLB tổ chức sinh hoạt định kì 3 tháng/lần với các hoạt động như tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật, hái hoa dân chủ, các chương trình giao lưu sân khấu hóa, hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát… có nội dung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước, các thông tin mang tính thời sự nóng có sức lan tỏa. Hiệu quả của hoạt động CLB đến từ việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của từng địa bàn phường.
Mô hình PBGDPL thông qua “phiên tòa giả định” được tổ chức đầu tiên trong các trường học tại thị xã Hoàng Mai và đến năm 2020 đã được nhân rộng tại các huyện Diễn Châu, Quế Phong, Thanh Chương và nhiều đơn vị khác với từ 3 đến 5 cuộc được tổ chức mỗi năm. Nhằm mềm hoá các quy định pháp luật khô khan, thu hút nhân dân tham gia, trước khi phiên toà giả định bắt đầu, Ban Tổ chức đã có khảo sát, đánh giá tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn, nguyên nhân, các giải pháp khắc phục cũng như các nội dung liên quan mà phiên toà giả định hướng tới, trên cơ sở đó xây dựng các tiểu phẩm tình huống cụ thể. Trong quá trình nghị án của mỗi phiên toà, Ban tổ chức sẽ đưa ra những câu hỏi để người dân tham gia trả lời nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật cho những người đến tham gia.
Ngoài ra, một số mô hình có hiệu quả cũng đã được tỉnh duy trì trong suốt giai đoạn 2017-2021 như: mô hình: “Dòng họ tiêu biểu ký cam kết không vi phạm pháp luật” (Yên Thành); ra quân phòng chống tội phạm (Vinh, Tân Kỳ); tuyên truyền lưu động về nội dung chống cưỡng ép kết hôn (Quỳ Hợp); “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, tố giác tội phạm” (Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Vinh); “Trường học không có vi phạm giao thông và tệ nạn xã hội” (Quỳnh Lưu, Hoàng Mai); “Tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình” (Quỳnh Lưu); “Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật” (Thái Hòa, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc); “Nông dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới (Anh Sơn).
Thùy Dương
Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An