Liên kết website

Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum

29/08/2023

Luật Hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, giữ gìn sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau:
Trong công tác phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum tổ chức 01 hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật cho hơn 100 công chức Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, trong đó giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, Sở Tư pháp đã phối hợp với Báo Kon Tum thực hiện Chuyên trang "Pháp luật và Đời sống" giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở trong 03 số, phát hành 3.000 cuốn Thông tin "Phổ biến, giáo dục pháp luật". Ngoài ra, hàng năm thường xuyên tổ chức, lồng ghép phổ biến các nội dung về công tác hòa giải ở cơ sở tại các hội nghị phổ biến pháp luật, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý tại cơ sở; đăng tải nhiều tin, bài liên quan trên Trang Thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum chú trọng triển khai, lồng ghép trong các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thuộc các chương trình, đề án về phổ biến giáo dục pháp luật. Theo đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức 30 hội nghị cho hơn 9.500 lượt người là đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh; đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; công chức Tư pháp cấp huyện, Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên và Nhân dân.
Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai lồng ghép phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở trong các hội nghị phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổ chức 22 hội nghị phổ biến trực tiếp tại các xã trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 1.583 đại biểu. Đồng thời, tăng cường lồng ghép thông qua các hình thức cổ động trực quan lắp đặt 19 panô tuyên truyền tại 19 xã; phát hành 2.000 tờ gấp phổ biến và tuyên truyền chính sách dân tộc tiếng song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số); cấp phát 30 cái khẩu hiệu, 20 cái poster tuyên truyền; 53 bảng tuyên truyền; tổ chức 09 cuộc thi tìm hiểu về chính sách dân tộc và pháp luật có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại các Trường Phổ thông dân tộc trú, Trường Phổ thông trung học và 04 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh. Hội Nông dân các cấp phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở lồng ghép với tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân gắn với việc hướng dẫn, giải thích cho nông dân, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; đăng tải trên Thông tin Nông dân Kon Tum; thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, làng, tổ dân phố; các tờ tin, báo, tạp chí; thông qua các buổi hoà giải, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, an toàn giao thông, bảo vệ rừng… Kết quả trong 10 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 14.326 buổi phổ biến cho 731.214 lượt người tham dự; trong đó có 9.654 buổi được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho 369.215 lượt cán bộ, hội viên - nông dân.
Các địa phương đẩy mạnh tổ chức lồng ghép thông tin, giới thiệu Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành tại các đợt phổ biến pháp luật trực tiếp tại cơ sở và nhiều hình thức khác phù hợp, đem lại nhiều kết quả tích cực, tiêu biểu như: Thành phố Kon Tum, Huyện Ngọc Hồi, Huyện Đăk Tô, Huyện Đăk Glei, Huyện Đăk Hà...
Bên cạnh đó, nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản liên quan cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương giới thiệu lồng ghép trong các cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng, sinh hoạt 15 phút đầu giờ hàng ngày, các cuộc họp Chi bộ và đoàn thể, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; cập nhật và đăng tải trên Trang/Cổng Thông tin điện tử của ngành, địa phương...
Về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở  
Hằng năm, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố hướng dẫn cấp cơ sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cùng cấp tiến hành rà soát, thống kê, kịp thời kiện toàn các tổ hòa giải và hòa giải viên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 762 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 4.826 hòa giải viên. Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 6.719 vụ việc, trong đó có 5.877 vụ việc hòa giải thành (đạt tỷ lệ 87,46%), 842 vụ việc hòa giải không thành (đạt tỷ lệ 12,54%).
Đội ngũ tập huấn viên hoà giải, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên được rà soát, kiện toàn, đảm bảo đầy đủ về cơ cấu, số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Sở Tư pháp tổ chức 11 hội nghị phổ biến, lớp bồi dưỡng với hơn 800 đại biểu tham dự là tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, các tổ trưởng tổ hòa giải và hòa giải viên, đồng thời, phối hợp cử tập huấn viên, hòa giải viên tham gia các hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức; Hội Nông dân tỉnh tổ chức 6 lớp cho 311 lượt cán bộ làm công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo (lồng ghép với tập huấn thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg), cung cấp 271 bộ tài liệu về hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo, gần 500 quyển “Sổ tay phổ biến pháp luật” cho nông dân và hàng ngàn tờ gấp pháp luật về bảo vệ rừng; phòng, chống ma túy; khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường... do Trung ương Hội biên soạn và cấp phát.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức các Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Kon Tum lần thứ IV, năm 2016 và lần thứ V, năm 2023. Kết quả, trong năm 2016, Hội thi tại cấp tỉnh đã được tổ chức thành công và đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 03 giải Khuyến khích cho 10 đội thi của 10 huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, đã cử 01 đội thi xuất sắc tham dự vòng sơ khảo khu vực miền Trung - Tây Nguyên Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III do Bộ Tư pháp tổ chức; kết quả, đội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Kon Tum đạt giải Khuyến khích và 01 giải phụ (Đội có phần thi xử lý tình huống xuất sắc nhất). Trong năm 2023, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Hội thi đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tổ chức liên quan đến Hội thi; Hội thi ở cấp tỉnh đã tổ chức thành công trong tháng 8 năm 2023 với sự tham gia thi của 10 đội thi đến từ 10 huyện, thành phố. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã biên soạn, in ấn, cấp phát miễn phí hơn hàng ngàn bộ tài liệu, bao gồm đề cương, sổ tay nghiệp vụ hòa giải, sách hỏi - đáp pháp luật, tờ gấp... thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng hàng năm; đăng tải hàng chục ngàn tin bài, trên Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp nhằm cung cấp, cập nhật kiến thức pháp luật phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở cho tuyên truyền viên, hòa giải viên cũng như nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật của cán bộ, người dân.
Hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại địa bàn các huyện, thành phố được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp và Hội đồng phối hợp tỉnh duy trì thường xuyên thông qua việc hướng dẫn tổ chức tự kiểm tra việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; lồng ghép trong kiểm tra, triển khai công tác tư pháp hoặc lồng ghép trong kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hoạt động của Hội đồng phối hợp theo định kỳ hàng năm. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1989/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2023 về kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023.
Sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở
Công tác phối hợp với ngành Tư pháp trong hòa giải ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và cơ sở lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong các phong trào thi đua, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác này thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh còn tích cực phối hợp với chính quyền vận động Nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải; khuyến khích những thành viên của mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia tổ hòa giải. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; biên soạn tài liệu cung cấp cho hòa giải viên; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên; theo dõi, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc đảm bảo kịp thời, chất lượng. Trong công tác kiểm tra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra, phối hợp chuẩn bị các điều kiện và thực hiện kiểm tra theo kế hoạch. Trong việc thực hiện chức năng giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam các cấp đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch giám sát, lồng ghép giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, tại cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo Ban Công tác mặt trận, công chức Tư pháp - Hộ tịch và tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê số lượng tổ hòa giải hiện có trên địa bàn; số lượng hòa giải viên cần được bổ sung, thay thế để thực hiện các thủ tục theo quy định. Đối với những địa bàn chưa 11 có tổ hòa giải, công chức Tư pháp - Hộ tịch đã chủ động phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn thực hiện các thủ tục bầu hòa giải viên trên cơ sở đảm bảo số lượng, thành phần theo quy định.
Xác định được vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh xác định sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác này cũng như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; quan tâm, bảo đảm kinh phí và kịp thời biểu dương, khen thưởng để các hòa giải viên luôn luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Nguyễn Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: