Cụ thể, tỷ lệc hòa giải thành năm 2014 đạt 75,53% đến năm 2022 đạt 87,20% và 06 tháng đầu năm 2023 đạt 89,37%. Có được kết quả này là do có sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trên toàn tỉnh. Với mong muốn hòa giải ở cơ sở là thiết chế góp phần ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội, giảm bớt tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, tạo sự gắn kết, gìn giữ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác hòa giải ở cơ sở, với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” được hình thành đầu tiên tại huyện Lấp Vò, sau đó được nhân rộng trên toàn tỉnh. “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” là tổ chức tự nguyện thành lập trên sơ sở hợp tác tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau của những người làm công tác hòa giải ở cơ sở trong cùng một xã, phường, thị trấn. Những thành viên Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở tập hợp lại để cùng “Nói nhau nghe và nghe nhau nói”; trên tinh thần trao đổi, hợp tác, chia sẻ thông tin để cùng nhau biết, cùng nhau hiểu và cùng nhau bàn bạc, đề ra giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn hoạt động hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Điều này đã khắc phục được tình trạng trước đây các Tổ hòa giải hoạt động độc lập, tự xem xét, giải quyết riêng biệt từng vụ việc nên kết quả hòa giải thành không cao. “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện; tự quyết định về hình thức, thời gian sinh hoạt theo nội dung đã đăng ký và được UBND cấp xã nơi có tổ chức hoạt động cho phép; tự chủ về chi phí hoạt động. Mỗi “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” đều có quy chế hoạt động phù hợp với tình hình của địa phương, trong mỗi buổi sinh hoạt sẽ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành; đánh giá tình hình hoạt động, kết quả hòa giải của các tổ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong các vụ việc đã được đưa ra hòa giải, những giải pháp, cách làm hay hoặc chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải. Với những hiệu quả của “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” mang lại, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-UBND-KT ngày 27 tháng 7 năm 2020 công nhận mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” là mô hình điển hình, tiêu biểu giai đoạn 2015-2020. Đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2022, chỉ đạo: “mỗi huyện phải thành lập ít nhất 01 “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”. Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được 101 “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”.
Bên cạnh mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”, nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã phát động phong trào thi đua về công tác hòa giải với nhiều tiêu chí thi đua như: phối hợp với cơ quan dân vận các cấp trong việc đẩy mạnh thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, việc tiếp nhận và giải quyết phải đảm bảo đúng quy định, đúng thời gian. Tỷ lệ hòa giải thành của Tổ hòa giải phải đạt từ 90% trở lên trên tổng số vụ việc tiếp nhận trong năm. Nhiều địa phương đã thành lập nhóm Zalo để các Hòa giải viên cập nhật kiến thức pháp luật mới và cùng trao đổi kinh nghiệm vận dụng vào hoạt động hòa giải. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 12 nhóm Zalo với trên 1.300 Hòa giải viên tham gia...
Toàn tỉnh hiện có 721 Tổ hòa giải và 4.085 Hòa giải viên, mỗi Tổ hòa giải có từ 03 đến 07 thành viên, nòng cốt là Chi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chi Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chi Hội Nông dân Việt Nam, Chi Hội Người cao tuổi Việt Nam và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, khóm, ấp. Hằng năm, các Hòa giải viên được bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng hòa giải. Trong 10 năm qua, các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tổ chức 25 hội nghị chuyên đề về công tác hòa giải ở cơ sở và 90 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hơn 30.000 lượt Hòa giải viên ở cơ sở. Các Hòa giải viên cũng thường xuyên được cấp phát tài liệu phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Sở Tư pháp đã biên soạn, in, phát hành hơn 190.000 tờ gấp hỏi đáp pháp luật về hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành, có hình ảnh minh họa và cấp phát đến người dân ở cơ sở; cung cấp 130 tài liệu cho Tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện và hơn 4.240 quyển tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ Hòa giải viên; phát hành các Bản tin Tư pháp trong đó có trên 1.000 bài viết giới thiệu về Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, những vụ việc hòa giải hay, kinh nghiệm trong công tác hòa giải và các nội dung pháp luật có liên quan, vận dụng trong công tác hòa giải; tổ chức 05 Hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Tháp”, thu hút trên 1.000 lượt người tham gia và cổ vũ cho Hội thi
Công tác thi đua, khen thưởng được các cấp chính quyền quan tâm nhằm ghi nhận, kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ Hòa giải viên. Trong 10 năm qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho 30 tập thể và 40 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Một số huyện, thành phố còn tổ chức khen thưởng hằng năm cho tập thể và cá nhân tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở thông qua kế hoạch phát động phong trào thi đua tại địa phương như: thành phố Hồng Ngự, huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành, huyện Tam Nông, huyện Cao Lãnh.
Công tác truyền thông về hòa giải ở cơ sở được chú trọng triển khai. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng: Tổ chức Hội nghị triển khai Luật Hòa giải cơ sở bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho 85 đại biểu đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể và 480 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã và Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức phổ biến Luật Hòa giải cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP trên 144 cuộc, cho hơn 1.078 lượt công chức, viên chức, người lao động và người dân tham dự. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã xây dựng trên 15 Chuyên mục Pháp luật và cuộc sống, Chuyên mục Phổ biến pháp luật, biết để làm đúng về công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng chuyên trang phổ biến pháp luật trên Báo Đồng Tháp. Để phù hợp với đặc điểm của địa phương, phát huy tối đa lợi thế, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn tiến hành phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở qua các buổi sinh hoạt tại Hội quán, các điểm tư vấn pháp luật, quán cà phê pháp luật, Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, Phụ nữ với kiến thức pháp luật, Câu lạc bộ đờn ca tài tử, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách bài bản, hiệu quả. Tỷ lệ hòa giải thành tăng dần từng năm đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và đặc biệt là góp phần rất lớn trong việc thực hiện và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật