Liên kết website

Kết quả kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật tại cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình

30/10/2023

Trong năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đã quan tâm, tích cực tổ chức hoạt động kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật (PBGDPL, HGOCS, CTCPL) tại 38/260 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy công tác PBGDPL, HGOCS, CTCPL đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo và đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Hằng năm, UBND các xã đã chủ động, kịp thời xây dựng các Kế hoạch triển khai thực hiện và các văn bản chỉ đạo khác về công tác PBGDPL trên địa bàn đúng thời hạn, nội dung bám sát kế hoạch của UBND tỉnh và UBND huyện. Trong đó 90% các xã ban hành kế hoạch trong 05 ngày kể từ ngày UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch PBGDPL. Hình thức PBGDPL tương đối đa dạng, phong phú như tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật, phổ biến pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở… Ngoài ra, còn một số hình thức PBGDPL khác như phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở… Nội dung phổ biến tập trung vào các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, môi trường, nghĩa vụ quân sự, hòa giải ở cơ sở, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Đối tượng phổ biến được mở rộng từ cán bộ, công chức đến thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, nông dân, học sinh, người lao động…
Các xã đã bố trí, đầu tư kinh phí cho công tác PBGDPL từ ngân sách nhà nước, trung bình từ 05 – 10 triệu đồng/năm/xã. Đặc biệt, một số xã đã huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc PBGDPL đạt hiệu quả cao. Các xã đã chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình PBGDPL trên địa bàn. Điển hình như mô hình “PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh”, “Tuyên truyền pháp luật lưu động tại các điểm dân cư”, “Câu lạc bộ học đường”, “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, “Câu lạc bộ thanh niên tuyên truyền pháp luật”, “Mô hình phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái”… Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật được thường xuyên củng cố, kiện toàn và tập huấn nâng cao năng lực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 2.998 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tuy thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nhưng đều phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được quan tâm triển khai, thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và kế hoạch của UBND tỉnh. Tổ hoà giải được thành lập ở tất cả các thôn/xóm trên địa bàn, được kiện toàn đủ thành phần, trung bình mỗi tổ có từ 05-07 hòa giải viên. Hằng năm các hòa giải viên được tạo điều kiện tham gia tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, được tiếp nhận các vụ việc, đồng thời tiến hành hòa giải thành nhiều vụ, việc. Tỷ lệ hòa giải thành cao, nhiều xã đạt tỷ lệ hòa giải thành 100% như: Xã An Tràng, An Hiệp, An Ấp – huyện Quỳnh Phụ; Xã Thụy Dân – huyện Thái Thụy; Xã Vũ Lễ - huyện Kiến Xương. Việc ghi chép Sổ theo dõi hoạt động hoà giải ở cơ sở được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định. 100% các xã được kiểm tra đã xây dựng và thường duy trì hoạt động ít nhất 01 mô hình về công tác hòa giải ở cơ sở, điển hình như mô hình “Huy động người có uy tín tham gia hoạt động hòa giải” tại xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy; mô hình “Hòa giải ở cơ sở kết hợp với tuyên truyền pháp luật” tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy; mô hình “Hòa giải tại thôn Thái Hoàng 1” của xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng… Kinh phí cho công tác hòa giải được bố trí từ ngân sách chi cho hoạt động PBGDPL. Một số xã đã bố trí nguồn chi thường xuyên cho hoạt động này.
Công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được triển khai nề nếp, hiệu quả, hồ sơ, tài liệu đánh giá tương đối đầy đủ theo quy định. 100% các xã được kiểm tra đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, trong đó có nhiều xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL, HGOCS và CTCPL tại các xã vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Công tác bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên và tuyên truyền viên pháp luật mặc dù đã được chính quyền địa phương quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là về kỹ năng, nghiệp vụ. Việc áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL chưa được chú trọng. Mặc dù 100% các xã đã xây dựng cổng thông tin điện tử nhưng việc duy trì hoạt động chưa được thực hiện tốt, thông tin PBGDPL còn đơn điệu, không được cập nhật thường xuyên. Một số xã còn thụ động, trông chờ sự hướng dẫn của cấp trên, công tác PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự gắn với thực tiễn đời sống. Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác PBGDPL chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Lực lượng công chức Tư pháp – Hộ tịch còn mỏng, thậm chí một số xã thuộc huyện Vũ Thư công chức thực hiện công tác Tư pháp là kiêm nhiệm. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, HGOCS, CTCPL, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác PBGDPL; tăng cường hơn nữa sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, huy động nguồn lực xã hội hoá cho công tác PBGDPL; tăng cường kiểm tra định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; chú trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, biểu dương các gương điển hình trong công tác PBGDPL./.
Trần Thị Hồng
Sở Tư pháp Thái Bình
Các tin đã đưa ngày: