Liên kết website

Truyền thông về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

24/08/2023

Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011), đến nay Quốc hội đã ban hành 01 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản liên quan đến quy hoạch, 01 Nghị quyết liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Chính phủ ban hành 12 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định; các Bộ, ngành liên quan ban hành hơn 60 Thông tư. Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, nhưng nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện, nhiều luật có liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới như luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đa dạng sinh học năm 2018…

Nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và đảm bảo phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới; thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 09/02/2023 của Chính phủ “Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2023”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Dự thảo Luật được bố cục thành 13 Chương, gồm 132 Điều quy định quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; điều tra địa chất, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên địa chất; thăm dò, khai thác và bảo vệ khoáng sản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoáng sản là dầu khí; các loại nước thiên nhiên khác không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8).
- Chương II. Bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác gồm 05 Điều (từ Điều 9 đến Điều 13).
- Chương III. Chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản, gồm 06 Điều (từ Điều 14 đến Điều 19).
- Chương IV. Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, gồm 16 Điều (từ Điều 20 đến Điều 35).
- Chương V. Khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia, gồm 12 Điều (từ Điều 36 đến Điều 47).
- Chương VI. Bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nước, khu vực biển hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản, gồm 04 Điều (từ Điều 48 đến Điều 51).
- Chương VII. Thăm dò khoáng sản, gồm 16 Điều (từ Điều 52 đến Điều 67).
- Chương VIII. Khai thác khoáng sản, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy mô nhỏ và khai thác tận thu khoáng sản, gồm 33 Điều (từ Điều 68 đến Điều 100).
- Chương IX. Quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và vùng biển gồm 04 Điều (từ Điều 101 đến Điều 104).
- Chương X. Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 18 Điều (từ Điều 105 đến Điều 122).
- Chương XI. Trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, gồm 04 Điều (từ Điều 123 đến Điều 126).
- Chương XII. Hội nhập và Hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản gồm 02 Điều (từ Điều 127 đến Điều 128).
- Chương XIII. Điều khoản thi hành, gồm 04 Điều (từ Điều 129 đến Điều 132).
Theo dự thảo, địa phương có khoáng sản được khai thác thì Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan. Cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản thông qua tổ chức đại diện của mình có quyền tham gia góp ý về biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường; kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm; yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản cung cấp nơi tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản…
Khu vực khoáng sản được phân thành 5 loại, gồm: khu vực hoạt động khoáng sản; khu vực cấm hoạt động khoáng sản; khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản và khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia. Khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia là khu vực có khoáng sản chưa khai thác được xác định căn cứ vào kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, kết quả thăm dò khoáng sản, bao gồm: khu vực có tài nguyên khoáng sản cần dự trữ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; khu vực có tài nguyên khoáng sản nhưng được ưu tiên phát triển kinh tế mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh nổi trội; khu vực có tài nguyên khoáng sản nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác hiệu quả hoặc có đủ điều kiện khai thác nhưng chưa có các giải pháp khắc phục tác động xấu đến môi trường.
Khoáng sản tại khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia phải bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại các khu vực đã khoanh định là khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia, chủ đầu tư dự án có nghĩa vụ bảo vệ khoáng sản trong phạm vi khu vực triển khai dự án theo quy định của Chính phủ và không lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình để khai thác khoáng sản nằm trong khu vực này… Các dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia bị thiệt hại do toàn bộ hoặc một phần khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia thuộc phạm vi dự án đầu tư được chuyển thành khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan. Nhà nước không chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho chủ đầu tư dự án tại khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia khi đã hết thời gian dự trữ khoáng sản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện toàn văn dự thảo đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến hết ngày 01/10/2023 để lấy ý kiến rộng rãi của người dân và doanh nghiệp góp ý hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ.
Theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 09/02/2023 của Chính phủ “Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2023”, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024)./.
Đỗ Thị Nhẫn
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: