Liên kết website

Đoàn Kiểm tra của Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương làm việc tại tỉnh Quảng Bình

24/08/2023

Thực hiện Kế hoạch số 1961/KH-HĐPH ngày 17/5/2023, Quyết định số 1679/QĐ-HĐPH ngày 10/8/2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi là Hội đồng) trung ương về việc kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra tại tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, chiều 24/8/2023, Đoàn kiểm tra của Hội đồng trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Uỷ viên Hội đồng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Bình.

Các thành viên Đoàn kiểm tra gồm có đại diện Lãnh đạo đơn vị chức năng có liên quan của các Bộ, ngành, cơ quan: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao; Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Báo Bảo vệ pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố đã chủ trì làm việc với Đoàn kiểm tra cùng với các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và đại diện lãnh đạo huyện Bố Trạch. Tham gia buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự.
Quảng Bình là địa phương có vị trí địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh, kinh tế của đất nước, có sự đa dạng về tôn giáo, dân tộc với các trình độ dân trí và phong tục tập quán, sinh hoạt khác nhau, do đó, công tác PBGDPL của tỉnh phải linh hoạt, thường xuyên đổi mới để phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nhận thức rõ điều này, Lãnh đạo Hội đồng tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao hoạt động PBGDPL. Bên cạnh tổ chức các cuộc họp định kỳ theo Quy chế làm việc, Hội đồng tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp chuyên đề để chỉ đạo, định hướng triển khai nhiều nhiệm vụ PBGDPL quan trọng của tỉnh. Được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp lãnh đạo, hoạt động của Hội đồng tỉnh năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhờ có công tác PBGDPL mà tình hình vi phạm trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đặc biệt là lĩnh vực an toàn giao thông, phòng chống ma túy, đất đai… đã có chiều hướng giảm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật. Công tác PBGDPL được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm; nội dung PBGDPL được lựa chọn bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn kết chặt chẽ hơn với công tác xây dựng, thực thi pháp luật.
Hình thức PBGDPL thường xuyên có sự đổi mới, đa dạng hóa, các ngành, các cấp và Hội đồng đã cung cấp tài liệu và thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở để PBGDPL cho người dân; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin qua hoạt động thông tin pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử, tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, trang youtube về PBGDPL; đổi mới xây dựng tài liệu PBGDPL thông qua việc xây dựng các video clip pháp luật. Đặc biệt, tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp chủ trì, xây dựng Đề án về chuyển đổi số trình Lãnh đạo tỉnh phê duyệt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm tư pháp và PBGDPL được đẩy mạnh, đặc biệt chú trọng kỹ năng phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai các hoạt động PBGDPL. Hoạt động hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tỉnh quan tâm thực hiện. Năm 2022, số đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước (có 141/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 94%).
 Về kinh phí, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã bố trí hơn 17,4 tỷ đồng cho công tác PBGDPL, thuộc nhóm trung bình khá so với các địa phương khác trong cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng tỉnh đã thằng thắn nêu lên những hạn chế, khó khăn của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, việc bảo đảm chất lượng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa nắm vững nội dung pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ. Việc bảo đảm điều kiện, nguồn lực (nhân lực và kinh phí) còn chưa bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ. Kinh phí cấp cho công tác hòa giải còn khó khăn, việc chi trả thù lao cho hòa giải viên của một số địa phương thực hiện còn hạn chế, thấp hơn mức chi theo quy định.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đã trao đổi, chia sẻ, yêu cầu Hội đồng tỉnh bổ sung, làm rõ một số vấn đề như định lượng rõ các kết quả đạt được trong triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng, đặc biệt là việc phát huy và huy động sự tham gia của hệ thống chính trị trong công tác PBGDPL, vai trò cung cấp thông tin pháp luật thông qua hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận; hoạt động PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh; việc phối hợp với các cơ quan báo chí trong triển khai tổ chức các hoạt động PBGDPL...
Trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với mục tiêu hướng tới năm 2030 “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”, vì vậy công tác PBGDPL trong các tháng cuối năm 2023 và thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với từng đối tượng, nhu cầu cụ thể, tập trung vào những đối tượng đặc thù trên địa bàn như ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân khu vực biên giới Việt – Lào...; có chính sách huy động sự tham gia của đội ngũ luật sư, luật gia, chức sắc tôn giáo vào công tác PBGDPL... 
Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra nhấn mạnh các hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở nếu được tổ chức  gắn trực tiếp với đời sống của Nhân dân thì sẽ góp phần hạn chế bớt các vi phạm pháp luật, các tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, bình yên. Để đạt được mục tiêu này, công tác PBGDPL cần tránh hình thức, tránh thực hiện theo phong trào mà cần coi đây là công việc thường xuyên và hàng ngày, chú trọng lồng ghép việc PBGDPL trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của cán bộ, công chức và các cơ quan, tổ chức. Nội dung PBGDPL cần ngắn gọn nhưng phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, cụ thể để giúp người dân dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ nhớ và dễ chấp hành, lưu ý sử dụng các thuật ngữ phù hợp với nhận thức và trình độ của người dân. Tiếp tục xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt chú trọng lựa chọn những người có kinh nghiệm, có kỹ năng dân vận, có năng lực chuyên môn, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp. Công tác đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần đi vào thực chất, có các con số cụ thể để minh chứng sự tác động của công tác này tới ý thức chấp hành pháp luật của người dân. 
Lưu Công Thành
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: