Các thành viên Đoàn kiểm tra gồm có đại diện Lãnh đạo đơn vị chức năng có liên quan của các Bộ, ngành, cơ quan: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao; Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Báo Bảo vệ pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đồng chí Hoàng Thị Trang Nhung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố đã chủ trì làm việc với Đoàn kiểm tra cùng với các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố, đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Lộc Ninh và phường Đồng Sơn. Tham dự kiểm tra còn có đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình.
Tại buổi làm việc, Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Đồng Hới đã báo cáo về những kết quả đạt được trong triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như tình hình hoạt động của Hội đồng thành phố năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, một số kết quả nổi bật như Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố đã chú trọng chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định nội dung và đối tượng có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã tập trung PBGDPL trong lĩnh vực đất đai, qua đó góp phần giúp nâng cao hiệu quả hoạt động giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình dự án lớn trên địa bàn như Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Dự án lưới điện quốc gia, công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua Đồng Hới; vận động Nhân dân tự giác tháo dỡ các mái che lấn chiếm vỉa hè và giải tỏa được nhiều “điểm nóng”, vướng mắc tồn tại nhiều năm như lấn chiếm vỉa hè buôn bán tại đường Nguyễn Thái Học phường Nam Lý, giải tỏa 16 Kiốt dọc đường Trần Hưng Đạo thuộc Chợ Ga, tuyến đường Lê Lợi, Lý Thái Tổ...
Về PBGDPL cho đối tượng đặc thù, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Hội đồng thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các ngành như Phòng Kinh tế, Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Hội Nông dân thành phố và các xã tập trung tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về chống khai thác IUU bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương; vận động các tàu cá ký cam kết không vi phạm việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU).
Một số hình thức, mô hình PBGDPL hiệu quả tại cơ sở tiếp tục được thành phố duy trì như: Chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố; Các câu lạc bộ “An ninh trường học; “Nói không với ma túy” trong các trường học; “ Cổng trường an toàn giao thông” của Thành Đoàn; “Nông dân với pháp luật” của Hội Nông dân thành phố; mô hình “Phiên tòa giả định” của Thành Đoàn, tổ chức tuyên truyền pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa, xây dựng các video, clip ngắn... Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL đã được lồng ghép và gắn với quá trình xây dựng đô thị thông minh của thành phố; các cơ quan, đơn vị đã triển khai PBGDPL thông qua ứng dụng các nền tảng số như Fanpage, Facebook, zalo, youtube... Công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn; tích cực triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2021 – 2025; thành phố đã tổ chức 02 lớp tập huấn cho 300 lượt thành viên Tổ hòa giải; Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho 247 lượt thành viên Tổ hòa giải; nhờ sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên có liên quan nên công tác hòa giải đã thu hút đông đảo mọi thành phần tham gia, hiệu quả ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, Hội đồng thành phố đã nêu lên những hạn chế của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó việc PBGDPL ở một số cơ quan, đơn vị, chưa thường xuyên, chưa chủ động tổ chức các hoạt động PBGDPL trong lĩnh vực quản lý; chất lượng, hiệu quả PBGDPL chưa cao, chưa thu hút được nhiều người dân. Một số cơ quan, ban, ngành, địa phương chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức như sân khấu hóa, kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển khai các mô hình, cách làm hay trong PBGDPL. Hoạt động hoà giải ở cơ sở chưa chú trọng chiều sâu, tỷ lệ hòa giải còn thấp so với trung bình của cả nước; việc huy động các tổ chức đoàn thể tham gia công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; chất lượng hòa giải viên chưa đồng đều, đội ngũ hòa giải viên đa phần là những người nhiệt tình, trách nhiệm, tuy nhiên còn hạn chế về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, kỹ năng, trong khi bản chất của công tác hòa giải là tự nguyện nên rất khó thu hút người có năng lực tham gia. Chế độ báo cáo của một số ban, ngành, đơn vị chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác tự kiểm tra nhiệm vụ PBGDPL của các ban, ngành chưa được thực hiện thường xuyên. Địa phương phản ánh thực tế hiện nay có nhiều đề án về PBGDPL nhưng chưa có cơ chế bảo đảm nguồn lực thực hiện. Do đó, các cơ quan trung ương cần nghiên cứu đổi mới cơ chế và phương pháp thực hiện Đề án theo hướng ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương, nhất là địa phương đặc biệt khó khăn, chưa cân đối được ngân sách trong triển khai đề án.
Các thành viên Hội đồng thành phố đánh giá một số Luật mới chưa kịp thời triển khai PBGDPL do thiếu các văn bản hướng dẫn, phải chờ văn bản hướng dẫn ban hành thì mới đảm bảo nội dung PBGDPL đầy đủ. Nhiều mô hình PBGDPL rất hiệu quả nhưng kinh phí lớn nên khó nhân rộng, chỉ có thể thực hiện theo mô hình điểm. Các Đề án về PBGDPL không có kinh phí nên địa phương lúng túng, khó khăn trong tổ chức thực hiện, chủ yếu lồng ghép trong triển khai các hoạt động chuyên môn. Nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL, cụ thể hơn là đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch còn hạn chế về số lượng nhưng khối lượng công việc nặng nề. Có ý kiến đề xuất nghiên cứu đề xuất triển khai các nhiệm vụ của các đề án phải do cơ quan trung ương chủ trì Đề án, giao nhiệm vụ cho địa phương cần bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn, các thành viên Đoàn kiểm tra đã có những trao đổi, chia sẻ, đặt ra những vấn đề, nội dung cần bổ sung, làm rõ hơn, định lượng hơn kết quả đạt được trong báo cáo của Hội đồng thành phố, đặc biệt là việc phát huy và huy động sự tham gia của hệ thống chính trị trong công tác PBGDPL, vai trò cung cấp thông tin pháp luật thông qua hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận; bảo đảm kinh phí cho công tác PBGDPL tại địa phương; việc quản lý, kiểm soát thông tin trong quá trình thực hiện PBGDPL trên internet và mạng xã hội; vai trò của hòa giải ở cơ sở trong thực hiện hương ước, quy ước và phòng chống bạo lực gia đình; PBGDPL các luật mới ban hành và có hiệu lực trong năm 2023 theo tinh thần của Quyết định số 407. Việc PBGDPL về các quyền dân sự chính trị cho người dân; kiểm tra công tác PBGDPL qua đó nắm bắt vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của cơ sở trong công tác này; những kết quả cụ thể trong triển khai Đề án 977, Đề án 407… Đồng thời thành viên Đoàn kiểm tra đã chia sẻ kinh nghiệm, mô hình triển khai công tác PBGDPL như mô hình “Đội giáo dục đồng đẳng” đang được áp dụng hiệu quả cho các đối tượng là người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, người bị phạt tù được hưởng án treo, người mãn hạn tù; cách thức triển khai mô hình phiên tòa giả định và phiên tòa lưu động nhằm tác động tích cực tới người dân…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Tiến – Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra đánh giá việc triển khai công tác PBGDPL gắn với từng đối tượng đặc thù và với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố là phù hợp. Bên cạnh đó, vượt qua khó khăn về nguồn nhân lực, địa phương cũng đã quan tâm bố trí nhân lực để thực hiện nhiệm vụ theo dõi thường xuyên hoạt động PBGDPL trên internet và các mạng xã hội. Công tác PBGDPL tại địa phương cũng đã có nhiều sự đổi mới về hình thức bên cạnh các hình thức truyền thống. Đồng chí yêu cầu nội dung PBGDPL phải bảo đảm dễ hiểu, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ tiếp cận để người dân dễ tiếp thu và làm theo. Để tránh PBGDPL hình thức, mang tính phong trào thì Hội đồng thành phố cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, nội dung PBGDPL phải gắn với các vấn đề được người dân quan tâm. Mục tiêu PBGDPL phải hướng tới giúp người dân bảo vệ các quyền và lợi ích của mình, đồng thời giúp bản thân, gia đình, người thân, bạn bè phòng tránh việc thực hiện các hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết. Do đó, địa phương cần làm tốt công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đặc biệt trong các vấn đề “nóng”, được sự quan tâm của người dân để góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, địa phương; bảo đảm an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở cần mở rộng thêm thành phần là những người có kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp tại nhiều ngành nghề trong mọi lĩnh vực; cần lồng ghép, xây dựng các chính sách cụ thể để quan tâm phát triển đội ngũ này. Phát huy vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong những vấn đề khó tại địa phương để bảo đảm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác này…
Lưu Công Thành
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật