Liên kết website

Sự cần thiết xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” nhìn từ góc độ thực tiễn

13/06/2022

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…”, trong đó Nhân dân có quyền tiếp cận với thông tin pháp luật, tiếp cận với các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội... Thời gian qua, Nhà nước ta luôn coi việc bảo đảm điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân là một trong những mục tiêu quan trọng và đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật của người dân.

Thứ nhất, Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện thể chế pháp lý nhằm bảo đảm, thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Nhiều quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp đã được cụ thể hóa kịp thời trong các bộ luật, luật quan trọng như Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Tố cáo, Luật Hòa giải ở cơ sở, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở…. Cùng với đó, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền trong việc bảo đảm, thực hiện các quyền của công dân nói chung và hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân tiếp cận pháp luật cũng được quy định rõ. Qua đó tạo hành lang pháp lý cho việc đưa pháp luật đến với người dân, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội…
Thứ hai, các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền đã tổ chức triển khai hoạt động cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; cung cấp thông tin theo yêu cầu từng bước đi vào nền nếp; các điều kiện cần thiết bảo đảm cung cấp thông tin được thực hiện[1]. Theo trách nhiệm quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã triển khai các hoạt động nhằm phổ biến, truyền thông, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, kiến thức, ý thức pháp luật cho người dân trong các lĩnh vực có liên quan đến đời sống, công việc, chú trọng nội dung có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn; hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền, đem lại hiệu quả tích cực.
Thứ ba, các thiết chế hành chính, thiết chế tư pháp ngày càng được quan tâm củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực thi và bảo vệ pháp luật. Nhiều mô hình, thiết chế hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức, cách làm đa dạng, sáng tạo. Hệ thống các thiết chế về bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật), trợ giúp pháp lý, hòa giải ngày càng phát triển đã đóng góp không nhỏ vào việc bảo đảm điều kiện tiếp cận pháp luật cho người dân, dần hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương. Các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền thông qua thực hiện trách nhiệm của mình trong hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, phản ánh, thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo đã quan tâm hỗ trợ, trợ giúp người dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Th, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án về PBGDPL; Các bộ, ngành chủ trì Đề án đã tập trung chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, tăng cường tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật… để từng bước bảo đảm các quyền của công dân được thực hiện thực chất, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân. Trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện khoảng 25 đề án, chương trình, quyết định của Thủ tướng Chính phủ với các mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức pháp luật cho người dân. Trong đó có Đề án đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai tiêu chí và nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Thông qua việc thông tin, PBGDPL, nhận thức và hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng cao. Người dân ngày càng quan tâm đến quyền tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực của đời sống, nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đồng thời tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; một bộ phận người dân đã có kỹ năng tìm kiếm, khai thác, tra cứu, vận dụng, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của bản thân và xã hội. Pháp luật cũng có cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền đó ngày càng hiệu quả hơn. Việc công khai thông tin theo quy định của pháp luật được các cơ quan nhà nước thực hiện theo hướng chủ động, bằng nhiều hình thức khác nhau...
Thứ năm, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm thiết lập, triển khai các cơ chế, nhiệm vụ, giải pháp cho người dân tiếp cận pháp luật. Nguồn nhân lực từng bước được cải thiện, nâng cao, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao. Cả nước có khoảng 1.947 báo cáo viên pháp luật trung ương, 7.674 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 17.780 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 137.844 truyền truyền viên pháp luật cấp xã, 652.819 hòa giải viên, trên 16.300 luật sư, 4.500 tổ chức hành nghề luật sư, khoảng 200 Trung tâm tư vấn pháp luật với gần 40 Chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật, khoảng 3.200 người thực hiện tư vấn pháp luật, 2.500 cộng tác viên tư vấn pháp luật và gần 700 trợ giúp viên pháp lý. Đội ngũ này trong quá trình thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, bảo đảm quyền, lợi hợp pháp của người dân, nhất là cho các nhóm đặc thù, yếu thế…
         Mặc dù đã có nhiều cơ chế, biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật nhưng việc triển khai trên thực tế hiện nay vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn, đó là:
- Một bộ phận người dân, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin trong đó có thông tin pháp luật cũng như việc sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, tự bảo vệ quyền của mình. Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống và việc hiểu biết, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích còn hạn chế. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin, vẫn còn tâm lý e ngại khi cần yêu cầu cung cấp thông tin. Tỷ lệ người dân nhận thức về một số quyền cơ bản và một số nội dung pháp luật còn thấp, chỉ hiểu được một phần nội dung PBGDPL… Kết quả khảo sát tại một số địa phương[2] cho thấy việc nhận diện được quyền khiếu nại, tố cáo về những việc làm trái pháp luật của người khác của những người được khảo sát chiếm tỷ lệ thấp (chỉ có 38,1% tại Đồng Tháp, 38,8% tại Đắk Nông); số người được khảo sát nhận diện được quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe (Đắk Nông chiếm 46,4%, Hà Giang chiếm 52%). Đặc biệt, nhận thức đúng của các đối tượng được khảo sát về độ tuổi trẻ em còn rất thấp (Đồng Tháp 16,7%; Hà Giang 18,4%; Hòa Bình 21,2%; Đắk Nông 22,8%; Kiên Giang 24%; Thanh Hóa 38,5%)…. Khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân còn hạn chế nên số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hàng năm vẫn còn thấp so với số người thuộc diện trợ giúp pháp lý (Ước tính số lượng người thuộc diện trợ giúp pháp lý ở Việt Nam có khoảng 45 triệu người, mỗi năm trung bình có khoảng 35.000 vụ việc trợ giúp pháp lý).
          - Công tác PBGDPL chưa thực sự được quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; một số hoạt động PBGDPL đôi lúc chưa hiệu quả, một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ nhu cầu pháp luật của người dân, tạo điều kiện tiếp cận, tìm hiểu pháp luật được kịp thời, nhanh chóng, hiện đại chưa được đẩy mạnh.
- Thể chế, chính sách, các cơ chế bảo đảm công khai, minh bạch để người dân tiếp cận chủ trương, chính sách, pháp luật được thuận lợi, kịp thời, đầy đủ còn bất cập, chưa thông suốt, thuận tiện. Việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và nâng cao năng lực của các cơ quan, chủ thể nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân chưa được quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng đặc biệt khó khăn. Hiện có hơn 20 chương trình, đề án đang triển khai hướng tới PBGDPL cho người dân, tuy nhiên mới tập trung nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật mà chưa chú trọng nâng cao năng lực sử dụng pháp luật và tự bảo vệ quyền cho người dân.
Những yếu tố trên ảnh hưởng đến tiếp cận pháp luật, năng lực tiếp cận của người dân và do nhiều nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan,  trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
Thứ nhất, một số các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chưa nhận thức sâu sắc và đầy đủ về trách nhiệm của mình, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội, cũng như thực trạng nhận thức và hiểu biết về pháp luật của người dân, đặc biệt là nhóm đặc thù, yếu thế còn hạn chế.
Thứ hai, một số quy định pháp luật nhằm thiết lập, triển khai có hiệu quả các cơ chế, biện pháp bảo đảm, tạo điều kiện người dân tiếp cận với chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa bảo đảm tính thông suốt, kịp thời, thuận lợi, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin chưa được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP chưa quy định phạm vi đăng tải văn bản quy phạm pháp luật đến cấp huyện và cấp xã, do đó việc khai thác, sử dụng văn bản của người dân chưa thực sự thuận tiện, dễ dàng, thông suốt. Đặc biệt chưa chú trọng nghiên cứu, đề xuất, triển khai các cơ chế đặc thù đối với công tác PBGDPL tại một số địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, nhất là vấn đề nguồn lực và xã hội hóa để triển khai công tác này được kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Thứ ba, tư duy, cách thức trong việc đưa pháp luật đến người dân ở một số cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ này còn xuất phát từ ý chí chủ quan, chưa thực sự bám sát với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của người dân. Kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này vẫn còn chưa đồng đều, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa bàn còn hạn chế...
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số và đầu tư nguồn lực phục vụ các hoạt động cung cấp thông tin, PBGDPL và các thiết chế bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hòa giải chưa đồng bộ, chưa phù hợp, tương xứng với yêu cầu thực tiễn.
Để khắc phục được hạn chế, khó khăn nêu trên, cần triển khai một cách đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp khác nhau. Trong đó có việc xây dựng Đề ánTăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Đây là giải pháp quan trọng để góp phần bổ sung, bổ trợ cho các chương trình, đề án về PBGDPL đang được các bộ, ngành thực hiện, góp phần hướng đến mục tiêu cao nhất trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Với ý nghĩa đó, Đề án cần xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế và thực hiện các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; đồng thời phát huy vai trò chủ động, tự giác của người dân trong việc tiếp cận pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, nét văn hóa sống và làm việc theo pháp luật của người dân; góp phần tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án cần tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế bảo đảm, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế bảo đảm, hỗ trợ, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp trong hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Đặc biệt, cần đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, gồm có năng lực tiếp cận thông tin pháp luật và năng lực sử dụng quyền, tự bảo vệ quyền và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho nhóm đặc thù, yếu thế./.
Lê Nguyên Thảo
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

[1] Theo Báo cáo số 321/BC-BTP ngày 31/12/2021 của Bộ Tư pháp về tình hình 03 năm triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016
[2] Theo Báo cáo đánh giá nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế tại 06 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang và Đồng Tháp (tháng 8/2020).
Các tin đã đưa ngày: