Liên kết website

Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

25/04/2011

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào việc cưới, việc tang và lễ hội tại Việt Nam. Thông tư này thay thế Thông tư số 04/1998/TT-BVHTT ngày 11 tháng 7 năm 1998 của Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tổ chức, cá nhân khi tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội phải tuân thủ các nguyên tắc: Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan; không lợi dụng việc cưới, việc tang và lễ hội để hoạt động nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ và gia đình; không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự, an toàn công cộng; không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; không được sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan đi đám cưới, lễ hội (trừ cơ quan làm nhiệm vụ); không sử dụng công quỹ của cơ quan làm quà mừng, quà tặng trong đám cưới và viếng đám tang.

Việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch và các quy định pháp luật khác có liên quan. Việc tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới phải thực hiện các quy định sau:

+ Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình;

+ Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật;

+ Địa điểm cưới do hai gia đình lựa chọn; thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết;

+ Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí;

+ Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc;

+ Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 05 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.

Việc tang phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan. Lễ tang do gia đình người qua đời quyết định tổ chức tại nhà hoặc tại địa điểm công cộng. Nếu người qua đời không có gia đình hoặc thân nhân đứng ra tổ chức lễ tang thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể quần chúng chịu trách nhiệm tổ chức khâm liệm và mai táng chu đáo theo phong tục truyền thống.

Khi tổ chức lễ tang phải thực hiện các quy định sau:

+ Lễ tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời;

+ Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người từ trần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang;

+ Việc quàn ướp thi hài thực hiện theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

+ Việc mặc tang phục và treo cờ tang trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc và tôn giáo; chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang;

+ Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 05 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số thì trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang;

+ Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang; Người qua đời phải được chôn cất trong nghĩa trang;

+ Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm;

+ Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 03 năm 2011.

Các tin đã đưa ngày: