Liên kết website

Thông tư số 05/2011/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh Niu – cát – xơn ở gia cầm

25/04/2011

Bệnh Niu-cát-xơn (Newcastle) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở loài cầm (gà, các loại chim), bệnh thường ghép với nhiều bệnh gia cầm khác gây ra tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại kinh tế lớn. Bệnh Niu-cát-xơn do một loài vi rút thuộc giống Avulavirus, họ Paramyxoviridae gây ra.

Cách lây truyền: Vi rút Niu-cát-xơn thường lây truyền trực tiếp qua đường tiếp xúc trực tiếp giữa gia cầm mắc bệnh và gia cầm khỏe mạnh hoặc có thể lây truyền gián tiếp thông qua xác gia cầm bị bệnh chết, vỏ trứng, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn nước uống, chất thải chăn nuôi, ủng hoặc quần áo của người chăn nuôi có mang mầm bệnh.

Triệu chứng lâm sàng: Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 5-6 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 2-15 ngày.

+ Thể bệnh nhẹ, thể hô hấp: thường gặp các triệu chứng như hắt hơi, khó thở, ho, chảy nước mũi, tổ chức vùng mắt và cổ sưng; ỉa chảy, phân có màu trắng xanh hoặc màu trắng;

+ Thể bệnh nặng: thường gặp các triệu chứng như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, run cơ, sã cánh, ngoẹo đầu và cổ, quay tròn, liệt chân, liệt toàn thân; giảm đẻ, trứng bị mỏng vỏ, chết đột ngột; tỷ lệ tử vong có thể lên đến 100%;

Các tổ chức, cá nhân có chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm cam kết thực hiện "Kết ước phòng bệnh" với nội dung: Không mua, bán, ăn thịt gia cầm bị bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc; phòng bệnh Niu-cát-xơn bằng vắc xin (định kỳ mỗi năm 2 lần: vào tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10); thực hiện khai báo dịch kịp thời; không vứt xác gia cầm bừa bãi. Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo các quy định về điều kiện chuồng trại, vệ sinh thú y đối với khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi gia cầm; con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y và phải được nuôi cách ly trước khi nhập đàn.

Chống dịch: Khi phát hiện gia cầm có các biểu hiện khác thường nghi mắc bệnh Niu-cát-xơn thì chủ hộ chăn nuôi phải khai báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất, nhân viên thú y hoặc chính quyền cơ sở; đồng thời cách ly gia cầm nghi mắc bệnh. Trạm Thú y huyện hoặc chính quyền cơ sở phải nhanh chóng tổ chức kiểm tra, chẩn đoán xác minh ổ dịch; hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi các biện pháp cách ly, vệ sinh khử trùng tiêu độc, xử lý dịch, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm theo quy định. Nếu kết quả chẩn đoán xác định là ổ dịch Niu-cát-xơn, phải tiêu hủy gà mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tiêm phòng gà khỏe mạnh trong ổ dịch và khu vực xung quanh; vệ sinh, phun hóa chất khử trùng, tuần 2 lần.

Khi có đủ các điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo quy định tại Điều 17, Điều 19, Điều 20 của Pháp lệnh Thú y. Có trên 5% hộ gia đình trong một xã có gia cầm mắc bệnh Niu-cát-xơn thể độc lực cao thì công bố xã đó có dịch; từ 30% số xã trở lên trong một huyện có dịch thì công bố dịch trên địa bàn toàn huyện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố hết dịch khi có đủ các điều kiện: Tất cả đàn gà trong diện phải tiêm phòng thuộc vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được sử dụng vắc xin phòng bệnh Niu-cát-xơn và đã có miễn dịch; đã qua 21 ngày kể từ ngày con gà cuối cùng bị chết hoặc bị tiêu hủy, không có con gà nào khác bị mắc bệnh hoặc bị chết vì bệnh Niu-cát-xơn; đã thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần liên tục trong 2 tuần đối với hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi đã bị dịch, vùng có dịch; Chi cục Thú y cấp tỉnh kiểm tra xác nhận đã đủ điều kiện công bố hết dịch theo quy định tại các điểm a, b, c khoản này và có văn bản đề nghị công bố hết dịch.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Các tin đã đưa ngày: