Liên kết website

Nghị định số 08/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thức ăn chăn nuôi

25/04/2011

Các hành vi vi phạm hành chính về thức ăn chăn nuôi bao gồm: Vi phạm quy định về sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi; vi phạm quy định về kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi; vi phạm quy định về nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; vi phạm quy định về khảo nghiệm, kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi; cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi.

            Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thức ăn chăn nuôi là 01 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện; riêng đối với các vi phạm hành chính liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi giả, thức ăn chăn nuôi có chất cấm trong Danh mục cấm sản xuất và lưu hành tại Việt Nam thời hiệu xử phạt là 02 năm.

            Mức phạt được Nghị định quy định cụ thể như sau:

            - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi không có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ kinh doanh rõ ràng.

            - Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh không có công cụ, thiết bị, phương tiện để chứa đựng, lưu giữ hoặc vận chuyển phù hợp với từng loại sản phẩm; nơi bày bán không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật; cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ có hành vi sử dụng chất cấm có trong Danh mục cấm sản xuất và lưu hành tại Việt Nam để chăn nuôi.

            - Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm sau: gia công thức ăn chăn nuôi không có hệ thống xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; không lưu kết quả kiểm nghiệm hoặc không lưu mẫu sản phẩm; kinh doanh thức ăn chăn nuôi không có Giấy đăng ký kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

            - Phạt tiền từ 10 triệu 20 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không có nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công nghệ sản xuất và kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi từ trung cấp trở lên; cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không có phòng phân tích kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi hoặc không thuê phân tích kiểm nghiệm tại cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; không công bố tiêu chuẩn chất lượng; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không bảo đảm chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

            - Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không đủ trang thiết bị theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không có nhà xưởng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam.

            - Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không có Giấy đăng ký kinh doanh về sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi; sử dụng chất cấm có trong Danh mục cấm sản xuất và lưu hành tại Việt Nam để sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chất cấm trong Danh mục cấm sản xuất và lưu hành ở Việt Nam.

            Người sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng chất chính không đạt so với công bố của sản phẩm, tùy theo giá trị lô hàng vi phạm thì bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 38 triệu đồng.

            Người kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ sản xuất, gia công; kinh doanh thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam; kinh doanh thức ăn chăn nuôi giả… thì bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

            Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ thức ăn chăn nuôi vi phạm nuôi, phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng những loại thức ăn chăn nuôi vi phạm, hoặc buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng thức ăn chăn nuôi vi phạm hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép sản xuất, gia công, kinh doanh có thời hạn.

            Chủ tịnh Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này. Cơ quan Công an, Hải quan, Quản lý thị trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nếu phát hiện các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thì được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định tại Nghị định này.

            Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2011.

Các tin đã đưa ngày: