Liên kết website

Nhiều địa phương ở Quảng Nam chú trọng đổi mới để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho người dân

06/06/2017

Tuyên truyền pháp luật trực tiếp (tuyên truyền miệng) là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc loại “cổ điển” nhất trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay hình thức này vẫn là hình thức còn đang được sử dụng khá rộng rãi và cũng luôn được đổi mới với nhiều sáng tạo.

Nếu như nói hình thức tuyên truyền pháp luật trực tiếp thường bị hạn chế bởi nó phụ thuộc quá nhiều vào mặt chủ quan của báo cáo viên (trình độ chuyên môn, tuổi nghề, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức xã hội...) khiến cho nhiều buổi tuyên truyền miệng ít thu hút được sự chú ý của người nghe, thì cũng chính từ yếu tố hạn chế này được các địa phương chú trọng khắc phục bằng nhiều cách cải tiến, đổi mới có hiệu quả. Sau đây chúng tôi xin tổng hợp và giới thiệu một vài mô hình đã được đổi mới và sử dụng có hiệu quả tại một số địa phương ở Quảng Nam trong thời gian qua:
1. Mô hình tập huấn có nhiều người cùng tham gia
Trước hết, mô hình này đang được ứng dụng cho các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở hoặc phổ biến pháp luật cho các nhóm đặc thù. Theo mô hình này có thể có nhiều báo cáo viên cùng lúc tham gia tác nghiệp theo lối “song giảng” hoặc “tam sư”; và đây chính là cơ hội tốt cho những người lần đầu hoặc mới “vào nghề” từng bước làm quen với công việc tuyên truyền pháp luật trước đám đông, vì bên cạnh họ luôn có báo cáo viên chính. Với mô hình này, trước khi bước vào các lớp tập huấn, thường thường các báo cáo viên phải làm việc theo nhóm để phối hợp và có kịch bản phân đoạn nội dung bài giảng cho từng người phụ trách trên lớp; đối với báo cáo viên mới, kỹ năng nói còn yếu thường được nâng đỡ bởi người có nhiều kinh nghiệm hơn.
Về phía học viên, với mô hình tập huấn này họ có nhiều cơ hội để yêu cầu được giải đáp thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm cho các học viên khác. Chính trong quá trình làm việc có sự tương tác nhiều hơn giữa học viên với báo cáo viên cũng như giữa các học viên với nhau, một mặt giúp học viên nắm bắt tốt hơn, mặt khác đây cũng chính là môi trường đào tạo nhanh về kỹ năng tuyên truyền miệng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Một khi có đủ sự tự tin và kỹ năng tuyên truyền tốt, báo cáo viên có thể tự mình làm “diễn giả” tại các hội nghị tuyên truyền có số lượng người nghe tương đối đông, không còn phù hợp với mô hình tập huấn nhiều người cùng tham gia.
2. Mô hình tư vấn, đối thoại pháp luật trực tiếp với người dân
Trong vài năm trở lại đây ở một số địa phương như thành phố Tam Kỳ, các huyện Đại Lộc, Hiệp Đức ... đã tổ chức được nhiều cuộc tư vấn, đối thoại trực tiếp với người dân tại cơ sở để một mặt tuyên truyền nội dung pháp luật mới cho họ, mặt khác để nghe họ yêu cầu giải đáp thắc mắc về các quy định pháp luật đang từng bước đi vào cuộc sống. Mô hình này có ý nghĩa thực tiễn cao, trực tiếp góp phần “hạ nhiệt” ở những nơi có “điểm nóng” nhưng cũng đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp tích cực của nhiều đơn vị, đặc biệt là khâu tổ chức, chuẩn bị thật tốt của đơn vị chủ quản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số địa phương tiến hành các cuộc tư vấn, đối thoại chính sách pháp luật với người dân theo các bước, sau đây:
Trước hết, Phòng Tư pháp tiến hành khảo sát xem tại các xã, phường, thị trấn (có thể đến thôn, khối phố), nơi nào cần tổ chức tư vấn đối thoại với người dân và nhu cầu cụ thể của họ đang cần tư vấn, giải đáp nội dung gì, lĩnh vực pháp luật nào. Thông thường những lĩnh vực pháp luật mà người dân đang có nhiều vấn đề cần được giải thích, tư vấn là: đất đai (tranh chấp đất đai, chính sách bồi thường đất bị thu hồi, giải phóng mặt bằng...), bảo vệ môi trường, chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội, khiếu nại, tố cáo...
Thứ hai, trên cơ sở khảo sát nhu cầu tư vấn của người dân, Phòng Tư pháp với tư cách cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật mời đại diện các ngành liên quan tham gia phối hợp. Theo đó, các ngành liên quan phân công báo cáo viên chuẩn bị nội dung và tham gia tư vấn, đối thoại với người dân
Thứ ba, Phòng Tư pháp phối hợp với UBND xã (phường, thị trấn) chọn địa điểm tổ chức và thông tin rộng rãi cho mọi người dân ở địa phương biết để tham gia. Thực tế cho thấy, mô hình tư vấn, đối thoại này mỗi khi tổ chức được rất nhiều người dân tham gia, vì nó liên quan trực tiếp đến những vấn đề người dân cần biết, cần được giải thích. Có thể nói đây là hình thức tuyên truyền pháp luật theo cách đáp ứng thiết thực những gì người dân cần, những vấn đề chính quyền cần phải quan tâm giải quyết.
Thứ tư, sau mỗi cuộc tư vấn, đối thoại với người dân, Phòng Tư pháp và các đơn vị liên quan có trách nhiệm gửi văn bản tư vấn, giải đáp những vấn đề chưa thể trả lời cho người dân ngay tại cuộc đối thoại; tổ chức rút kinh nghiệm để tiếp tục cải tiến cách làm việc và tổng hợp những vấn đề người dân kiến nghị để tham mưu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Có thể nói với hai mô hình được cải tiến và ứng dụng nêu trên đã góp phần làm cho hình thức tuyên truyền miệng trở nên sinh động, hiệu quả hơn bởi có sự tương tác tích cực giữa báo cáo viên với người nghe. Tuy nhiên, chính từ sự cải tiến này lại đặt ra một vấn đề mới cần có câu trả lời từ phía cơ chế chính sách. Đó là vấn đề chi trả thù lao cho báo cáo viên như thế nào cho thỏa đáng, khi trong cùng một buổi có nhiều báo cáo viên cùng tham gia và trong quá trình chuẩn bị trước đó mỗi người đều phải có đề cương, giáo án riêng của mình theo từng lĩnh vực được phân công. Nếu đem mức thù lao báo cáo viên pháp luật cấp huyện (300 ngàn đồng/ buổi/ người) chia đều cho số báo cáo viên cùng có mặt tại một buổi tư vấn, đối thoại pháp luật thì quá thiệt thòi cho báo cáo viên. Hiện nay, nhiều địa phương vừa tích cực vận dụng các mô hình mới vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật  cho nhân dân vừa bị lúng túng khi chi trả thù lao cho báo cáo viên để làm thế nào có thể động viên nhiều hơn nữa sự tham gia tích cực của họ. Đây là câu hỏi cần có câu trả lời càng sớm càng tốt từ phía những người có thẩm quyền, trách nhiệm .
Thay lời kết, có thể nói chưa có hình thức tuyên truyền nào chiếm ưu thế tuyệt đối và có thể thay cho tất cả, vì mỗi hình thức đều có ưu thế riêng của mình. Tuy nhiên, cho đến nay hình thức tuyên truyền pháp luật trực tiếp vẫn là hình thức đang được nhiều ngành, địa phương sử dụng để đưa pháp luật đến với người dân. Do đó việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo cho phù hợp với từng địa bàn, từng hoàn cảnh cụ thể là yêu cầu nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp cấp huyện mà trước hết là các Phòng Tư pháp ở địa phương và các báo cáo viên pháp luật của địa phương.
Kỳ Sanh và Đặng Văn
Các tin đã đưa ngày: