Liên kết website

Phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số từ thực tiễn thực hiện công tác Đoàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai

26/06/2017

Tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Những năm qua, nhiều Nghị quyết,Chỉ thị của Đảng về công tác thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ đã được triển khai, đạt nhiều kết quả. Hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về thanh thiếu nhi ngày càng được hoàn thiện. Giáo dục về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không ngừng được tăng cường và đổi mới. Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạnh, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hình thành nhân cách”.

          Theo đó, hằng năm trong Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên, các cấp bộ Đoàn đều xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận và là nội dung quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn. Để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mỗi cơ sở đoàn đã gắn kết công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Từ thực tiễn thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua, nhận thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật càng ngày càng được nâng cao, song song với đó thì cũng còn những vấn đề thực tiễn cần nhìn nhận, đánh giá và có giải pháp để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn mang tính chất chung, đại trà chưa có sự phân loại đối tượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục hoặc đối tượng tuyên tuyền, giáo dục còn bị bỏ sót. Thanh thiếu niên chiếm số lượng lớn trong dân số cả nước và thành phần thanh thiếu niên tương đối đa dạng về thành phần dân tộc, về lứa tuổi, về vùng miền, khu vực, mức độ nhận thức,… Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải có sự phân loại đối tượng để hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực tế, đối tượng nào đi với nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nấy cũng như tùy vào đối tượng để lựa chọn người làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật hoặc hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp. Đây là vấn đề cần phải quan tâm và chú trọng để đảm bảo mỗi chương trình hoặc kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt được mục tiêu và hiệu quả thực tế.
Thứ hai, về nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
          Trong thời gian qua, thực hiện các chương trình, kế hoạch của Đoàn cấp trên, các cơ sở đoàn đã đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động nhằm tuyên truyền Hiến pháp năm 2013; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Bộ luật Dân sự năm 2015; Pháp luật về phòng chống ma túy và an toàn giao thông đường bộ;…Tuy nhiên, việc xác định nội dung tuyên truyền, phổ biến chỉ mới ở góc độ tuyên truyền, phổ biến văn bản, quy định pháp luật mới hoặc theo kế hoạch chung chứ chưa đánh giá được nội dung cần phải chú trọng tuyên truyền trên cơ sở mức độ nhận thức và tình hình thực hiện pháp luật ở từng địa phương, cơ sở. 
Chẳng hạn như, trên cơ sở thống kê số liệu tình hình giải quyết các vụ án liên quan đến các tội xâm phạm về tính mạng, sức khỏe và tài sản đối với người dân tộc thiệu số của Tòa án nhân dân tỉnh, cho thấy trong 06 tháng đầu năm 2017, Tòa án tỉnh đã giải quyết 08 vụ giết người liên quan đến 23 bị cáo; 20 vụ xâm phạm về sức khỏe và tài sản liên quan đến 54 bị cáo. Qua đó, có thể thấy tình hình thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm về tính mạng, sức khỏe và tài sản trên địa bàn tỉnh còn khá cao. Vì thế, trong thời gian tới một trong những nội dung pháp luật cần tiếp tục chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là các quy định pháp luật về hình sự; các chính sách, quy định của nhà nước về xóa đói, giảm nghèo.
          Thứ ba, xây dựng đội ngũ báo cáo viên tại các cơ sở Đoàn
          Hiện nay, công tác xây dựng, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên tại các cơ sở Đoàn cũng còn rất nhiều hạn chế. Bởi lẽ, người làm công tác đoàn đa phần là trẻ tuổi, tri thức về chuyên môn, nghiệp vụ chưa sâu, kỹ năng xã hội, kỹ năng báo cáo, truyền đạt còn yếu. Gia Lai là tỉnh có 34 dân tộc anh em sinh sống, với số lượng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều như vậy nên khả năng giao tiếp, trao đổi bằng ngôn ngữ của người đồng bào dân tộc thiểu số đối với người làm công tác đoàn cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, quy định, hướng dẫn về việc thực hiện, đảm bảo chế độ cho báo cáo viên tại các cơ sở Đoàn còn chưa cụ thể nên chưa tạo điều kiện cho báo cáo viên tại các cơ sở Đoàn khi tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.
          Thứ tư, hoạt động phối hợp giữa tổ chức cơ sở Đoàn với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa đồng bộ
          Việc triển khai và thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải tiến hành tập trung, đồng thời, đồng bộ. Chẳng hạn như, tại các thời điểm hưởng ứng tháng an toàn giao thông, các cơ sở đoàn thường phân công, bố trí đoàn viên trước cổng trường học hoặc ngã tư đèn xanh, đèn đỏ để hướng dẫn việc thực hiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, qua thực tiễn theo dõi nhận thấy, để hoạt động này đạt hiệu quả cao cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường trong việc giáo dục học sinh, sinh viên tuân thủ quy định pháp luật giao thông đường bộ, rồi từ phía gia đình trong việc giáo dục con, em thực hiện quy định pháp luật giao thông đường bộ và bản thân gia đình cũng không giao phương tiện cho em mình sử dụng tham gia giao thông đường bộ mà không phù hợp với quy định pháp luật; Hoặc tại các điểm tình nguyện viên hướng dẫn việc thực hiện giao thông đường bộ phải có thành phần, lực lượng của cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Như vậy, khi kết hợp đồng bộ sự tham gia các các cơ quan, đơn vị có liên quan thì hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới đạt hiệu quả cao.
          Thứ năm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế bởi sự ảnh hưởng của một số tư tưởng, phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số
          Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số chưa có nhận thức cao trong việc học tập và tìm kiếm việc làm bởi tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ” hay họ sẽ là đối tượng được nhà nước chăm lo, bao cấp. Hay như nhận thức đối với quy định pháp luật về hôn nhân – gia đình còn hạn chế dẫn đến tình trạng “tảo hôn” trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất phức tạp. Do đó, trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cần kết hợp, lồng ghép giữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật đồng thời có giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số đẩy lùi và xóa bỏ các tư tưởng, phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
          Từ những vấn đề thực tiễn như trên, để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, cần đảm bảo được tinh thần “Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cùng chung tay thực hiện” theo nội dung của Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Chấp hành Trung ương mà đặc biệt là phát huy tối đa vai trò của cơ sở đoàn. Đồng thời, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh không ngừng học tập, trao dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, mở rộng các mô hình, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới, sáng tạo đảm bảo phù hợp với thực tiễn đối tượng được tuyên truyền./.
 
Lương Thảo –Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai
Các tin đã đưa ngày: