Liên kết website

Quảng Trị: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền và kiến thức về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật

13/04/2023

Ngày 11/4/2023, tại Hội trường khách sạn Sài Gòn- Đông Hà đã khai mạc khóa tập huấn kỹ năng tuyên truyền và kiến thức về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật.

Khóa tập huấn này được đồng tổ chức bởi Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị và UNICEF tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP. Chương trình do hai cơ quan này của Liên Hợp Quốc thực hiện, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam.

Tham dự khóa tập huấn có ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị; Bà Trần Thị Lan Chi - Chánh văn phòng Sở; Bà Nguyễn Thanh Trúc,  chuyên gia Bảo vệ trẻ em, đại diện  UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liệp quốc tại Việt Nam và nhân viên của UNICEF; các giảng viên: Phó giáo sư-Tiến sĩ  Nguyễn Thị Lan, giảng viên cao cấp, Phó trưởng khoa pháp luật dân sự Trường Đại học Luật Hà Nội; Giảng viên Hồ Mai Hoa -Bác sĩ Chuyên khoa 1 sản, Giảng viên quốc gia sức khỏe sinh sản và các tuyên truyền viên pháp luật đến từ Sở Tư pháp, Sở Y tế, Giáo dục và đào tạo, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ban dân tộc, Hội Nông dân và các  tuyên truyền viên đến từ huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị đánh giá: Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu cư trú tại 2 huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Trị là Hướng Hóa và Đakrông. Theo số liệu thống kê tại Huyện Hướng Hóa: năm 2020: 145 trường hợp,  năm 2021: 52 trường hợp và năm 2022: 34 trường hợp. Tại huyện Đakrông số trường hợp tảo hôn trong 3 năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt là là:60,72 và 74 trường hợp. Tảo hôn làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà m ẹ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. 

Hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những quy định về độ tuổi kết hôn, các trường hợp cấm kết hôn trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đồng thời quy định chế tài hành chính, hình sự  đối với các hành vi vi phạm. Chính phủ, UBND tỉnh, UBND hai huyện Hướng Hóa và Đakrông cũng đã ban hành và thực hiện các Chương trình, đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Các ban, ngành, địa phương của hai huyện Hướng hóa và Đakrông đã quan tâm đẩy mạnh truyền thông về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Một số nhóm nòng cốt truyền thông đã được thành lập ở một số xã, nâng cao năng lực nội sinh trong phòng chống chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên việc tập huấn, truyền thông về vấn đề này vẫn chưa triển khai rộng khắp và thường xuyên trong các xã của hai huyện. Vì vậy, về mặt kỹ năng, kiến thức, các tuyên truyền viên vẫn cần phải bồi dưỡng để tăng tính hiệu quả trong truyền thông. 
Tại hội nghị, Bà Nguyễn Thanh Trúc,  chuyên gia Bảo vệ trẻ em, đại diện  UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liệp quốc tại Việt Nam phát biểu: “Nâng cao nhận thức là một trong những giải pháp quan trọng luôn được chú trọng trong phòng, chống hôn nhân trẻ em. Trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là làm thế nào nâng cao hiệu quả truyền thông, làm thế nào để người dân không chỉ biết đến các quy định của pháp luật mà thực sự hiểu tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, từ đó có những hành động thiết thực để phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, bảo đảm trẻ em được phát triển hết tiềm năng, được hưởng đầy đủ các quyền của mình”. Vì vậy, trong khuôn khổ dự án tăng cường pháp luật do Liên minh Châu Âu tài trợ, với sự đóng góp tài chính của UNDP và UNICEF, UNICEF hỗ trợ Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn này với mong muốn đây là một đóng góp thiết thực của Dự án góp phần giảm thiểu kết hôn trẻ em, tăng cường bảo vệ quyền trẻ em, quyền của phụ nữ tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Khóa tập huấn diễn ra trong 2 ngày  11-12/4/2023. Các học viên sẽ được cung cấp, trao đổi một số quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Kiến thức về sức khỏe, sức khỏe sinh sản; Hậu quả và bệnh lý do hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn mang lại; Tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai tuổi vị thành niên; Kỹ năng tuyên truyền kiến thức để phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết; Thực hành truyền thông phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết … Qua đó đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để họ có thể áp dụng kiến thức, kĩ năng từ khóa học thực hiện truyền thông phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho người dân địa phương mình một cách hiệu quả hơn.
 
Sau khóa tập huấn này, dự kiến sẽ có 3 đợt truyền thông tại các xã A Dơi, huyện Hướng Hóa; xã Tà Long và xã A Vao, huyện Đakrông với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân một số xã hai huyện Hướng Hóa và Đakrông về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với quyền lợi, sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái; các quy định pháp luật liên quan. Đây là các hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động Truyền thông phòng chống tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE).
Đào Bình
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị
Các tin đã đưa ngày: