Đề án được triển khai thực hiện ở phạm vi 18 xã, thị trấn ven biển thuộc 3 huyện Giao Thủy, huyện Hải Hậu và huyện Nghĩa Hưng. Nội dung phổ biến, giáo dục của Đề án bám sát các tài liệu do Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương biên soạn để triển khai phổ biến, giáo dục; đồng thời, căn cứ tình hình địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan biên soạn thêm các tài liệu văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển của tỉnh, như: Hiến pháp năm 2013; các văn bản pháp luật về biển, về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và các hiệp định hiệp nghị hợp tác về biển mà Việt Nam đã tham gia, ký kết; các văn bản pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường, tôn giáo; các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính... Về hình thức phổ biến, cần lựa chọn những hình thức phù hợp như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến theo chuyên đề; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ (sân khấu hoá); tổ chức toạ đàm, thi tìm hiểu về pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; thông qua "Ngày pháp luật" và tủ sách, ngăn sách pháp luật ở các đơn vị, địa phương; xét xử lưu động các vụ án điểm của Toà án nhân dân…; trong đó chú trọng bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho công chức Tư pháp - Hộ tịch, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở của các xã, thị trấn biên giới biển và cán bộ của các đồn biên phòng, các đơn vị quân đội, công an đóng quân trên tuyến biển.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức, triển khai các nội dung của Đề án trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Nam Định.
Nguyễn Tùng Mai – Sở Tư pháp Nam Định