Về nội dung PBGDPL, các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ đã tập trung tuyên truyền, PBGDPL về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung của các công ước quốc tế về quyền con người, công ước quốc tế về chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo, phi nhân đạo, quán triệt một số văn bản mới ban hành.
Về hình thức PBGDPL, Thanh tra Chính phủ đã triển khai tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức. Cụ thể như:
- PBGDPL trực tiếp
Thanh tra Chính phủ đã chủ trì hoặc phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo có nội dung liên quan đến các quy định pháp luật vè phòng, chống tham nhũng phục vụ xây dựng Nghị định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại. Đồng thời, các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện PBGDPL thông qua các hoạt động như tổ chức trao đổi về quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị trực tuyến Nhóm các cơ quan phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á và Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của cộng hòa Pháp về “Tổ chức và hoạt động của cơ quan kiểm soát thu nhập” và “Xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bản kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập”, tổ chức Hội thảo với chủ đề góp ý Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập, lồng ghép PBGDPL thông qua việc tổ chức 42 khóa đào tạo cho 4.126 học viên trên cả nước, lồng ghép PBGDPL thông qua hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư. Bên cạnh đó, tại các buổi sinh hoạt nội bộ có lồng ghép quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thanh tra.
- PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng
Tạp chí Thanh tra, Báo Thanh tra, Trung tâm thông tin, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã thường xuyên đăng tải, giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, phản ánh tình hình giải quyết, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, các vụ án tham nhũng lớn, gây bức xúc trong dư luận, các mô hình tiêu biểu, kinh nghiệm tốt trong công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Báo Thanh tra đã xây dựng 02 chuyên mục hoàn thiện thể chế, tuyên truyền pháp luật với tổng số 500 tin bài trên báo điện tử, trên báo in, phát hành 1 tuần 2 kỳ đã xây dựng chuyên trang Tuyên truyền pháp luật. Tạp chí Thanh tra đã đăng 220 bài viết trên các chuyên mục Chính luận, Nghiên cứu trao đổi, tìm hiểu và giải đáp pháp luật, kinh nghiệm nước ngoài, Tạp chí điện tử đã đăng 432 tin, bài trên chuyên mục thời sự với 5.583 lượt người truy cập, 1.015 tin, bài thuộc chuyên mục Tin trong ngành với 44.804 lượt người truy cập; 84 tin, bài trên chuyên mục Bạn đọc với 4.626 lượt người truy cập, 97 tin, bài thuộc chuyên mục Tìm hiểu pháp luật với hơn 3.643 lượt người truy cập. Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật trên chuyên mục “Văn bản Quy phạm pháp luật”. Trang thông tin điện tử của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thường xuyên cập nhật “Thư viện điện tử”, duy trì mục “Trả lời bạn đọc”. Năm 2020 đã đưa trên 141 tin bài, 30 câu giải đáp pháp luật.
- Biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật
Năm 2020, Viện Chiến lược và khoa học thanh tra đã biên soạn và phát hành sách “Đối tượng của khiếu nại hành chính – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” và “Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức tuyên truyền trực quan qua 02 khẩu hiệu hành động gồm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam”, “Chủ động tìm hiểu, nâng cao ý thức tuân thủ, thực thi pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức”, tổ chức thành công tọa đàm với chủ đề “Xây dựng Luật Thanh tra đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển”.
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”, Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án và hoàn thiện việc xây dựng tài liệu theo yêu cầu của Đề án.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL tại Thanh tra Chính phủ năm 2020 cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền ở một số đơn vị còn hình thức, chưa đảm bảo tiến độ, lực lượng làm công tác PBGDPL chưa tương xứng với khối lượng và yêu cầu công việc, nguồn kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn hạn hẹp, chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, do tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến theo kế hoạch.
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các khó khăn, hạn chế, Thanh tra Chính phủ đã đề ra các phương hướng và nhiệm vụ cụ thể trong năm 2021. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, củng cố và phát triển đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, bám sát các sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước và ngành thanh tra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác PBGDPL.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật