Liên kết website

Nâng cao chất lượng “nguồn nhân lực” thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

15/09/2022

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước; có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; là địa bàn cư trú chủ yếu của các DTTS; là vùng có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.

Vùng đồng bào DTTS & MN cũng là vùng còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội thấp, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, vẫn là “lõi nghèo”, “vùng trũng pháp luật”; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với mức bình quân chung của cả nước, khoảng cách chênh lệch về mức sống, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, giữa các vùng ngày càng gia tăng;... Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách từng bước phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh cho vùng đồng bào DTTS & MN như: Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27-9-2001, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ);... Trong giai đoạn  2011 - 2018, có 205 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ban hành. Theo Báo cáo số 426/BC-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ về “Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, trong giai đoạn 2016-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 chương trình, chính sách (15 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số) như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...[1]. Riêng tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc đã quy định cụ thể 13 nhóm chính sách dân tộc, như chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực (Điều 8), chính sách phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 10), chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số (Điều 12)…, chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (Điều 18)... Để giúp đồng bào DTTS được trang bị kiến thức pháp luật, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã xác định người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo là đối tượng đặc thù, cần được quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật[2]. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS” đến năm 2016[3]; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS & MN giai đoạn 2017 - 2021”[4].
Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; nội dung thiết thực, hiệu quả, từng bước đáp ứng được yêu cầu thực tế, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng ý thức, lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Công tác PBGDPL đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại vùng đồng bào DTTS & MN. Cụ thể, giai đoạn 2011-2021, đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
- Ủy ban Dân tộc tổ chức khảo sát xác định nhu cầu của các đối tượng về nội dung, hình thức và tổ chức khảo sát, đánh giá tác động, hiệu quả sau khi tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL tại 10 tỉnh, thành phố; tổ chức 17 đoàn kiểm tra công tác PBGDPL và hiệu quả hoạt động của mô hình câu lạc bộ pháp luật tại 17 tỉnh, thành phố; tổ chức hội thảo quốc gia[5], 20 hội thảo cấp khu vực, cấp tỉnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm PBGDPL, triển khai thực hiện Chương trình, đề án, dự án chính sách dân tộc; tổ chức 162 Hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào DTTS trong phạm vi cả nước; tổ chức 14 hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá (03 hội thi cấp khu vực, 11 hội thi cấp tỉnh), 02 cuộc thi viết trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc; xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động cho 64 mô hình Câu lạc bộ pháp luật điểm[6] (1 tháng sinh hoạt 01 lần theo chuyên đề). Biên soạn, phát hành 12 cuốn cẩm nang, sổ tay về kỹ năng, sổ tay song ngữ tiếng Việt - tiếng DTTS, sổ tay hỏi đáp chính sách pháp luật, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS với số lượng 26.813 cuốn; biên soạn, phát hành trên 125.000 tời rơi, tờ gấp pháp luật bằng tiếng Việt và dịch ra các thứ tiếng Mông, Ja Rai, Ba Na; tuyên truyền trên pa nô với số lượng 200-300 cái/xã thực hiện mô hình điểm...    
- Bộ Tư pháp đã biên soạn, phát hành (bản giấy hoặc đăng tải lên Trang thông tin điện tử PBGDPL) nhiều tài liệu tuyên truyền, phổ biến về các chính sách, văn bản pháp luật của nhà nước (như Đề cương giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật, tờ gấp pháp luật, chuyên đề, tiểu phẩm pháp luật, hỏi đáp pháp luật), trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quyền chính trị, quyền con người, quyền công dân. Một số tài liệu được dịch ra ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số có số dân đông như tiếng Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer…  Tổ chức truyền thông chính sách pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông thực hiện nhiều chuyên mục, chương trình phổ biến chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc[7]. Để nâng cao kiến thức và kỹ năng PBGDPL cho các đối tượng đặc thù (bao gồm người dân tộc thiểu số), Bộ Tư pháp đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người làm công tác pháp chế... nhằm trang bị cho đội ngũ này kiến thức chuyên sâu về công tác dân tộc và giải đáp các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc[8]...
- Trong giai đoạn 2017-2021[9], các địa phương đã tổ chức PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng[10], đồng thời, tăng cường PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thông qua các phương tiện thông tin đại chúng[11] nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận, kết nối, chia sẻ thông tin pháp luật, chính sách dân tộc bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, giúp người dân vùng DTTS & MN sử dụng, khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật về Chương trình dân tộc và chính sách dân tộc[12]. Một số địa phương có cách làm sáng tạo trong việc lồng ghép nội dung PBGDPL và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS để PBGDPL cho hơn 1.118.980 lượt người[13].
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các DTTS có một số bất cập, hạn chế như sau:
- Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL, đặc biệt là cán bộ người DTTS, biết tiếng dân tộc còn ít, trình độ chuyên môn luật còn hạn chế, chưa đủ để đảm bảo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chưa có “Chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS tham gia công tác PBGDPL”.
- Một số định mức chi tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn thấp, nội dung chi chưa bao quát các hoạt động đặc thù để nâng cao hiệu quả PBGDPL cho đồng bào DTTS.
- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động, kịp thời, chưa phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS. Chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS & MN nên công tác này ở một số địa phương chưa được chú trọng đúng mức, thường xuyên, liên tục, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, hiệu quả chưa cao. 
- Chất lượng, hiệu quả PBGDPL cho đồng bào DTTS ở một số nơi chưa cao; chưa nhân rộng được hình thức có hiệu ứng lan tỏa mạnh để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Việc tìm hiểu pháp luật thông qua luật sư tư vấn, tự tìm hiểu qua sách, báo, các trang tin điện tử, internet của đồng bào DTTS còn rất hạn chế. 
Hiện nội dung “Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số” đã được tích hợp tại Nội dung thành phần số 2 Tiểu dự án 1 Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025[14]. Song, theo quan điểm cá nhân, thì bên cạnh việc tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động, kịp thời trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS, vẫn cần có những cơ chế, chính sách mang tính căn cơ, lâu dài, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân tiếp cận, triển khai, thực hiện, thụ hưởng chính sách dân tộc, nhất là về nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS. Theo đó:
- Một là, cần nghiên cứu bổ sung quy định về “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, biết tiếng DTTS để phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng là đồng bào DTTS”.
- Hai là, cần nghiên cứu bổ sung các chế độ, chính sách để kịp thời động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và là những tấm gương tiêu biểu để đồng bào DTTS tin tưởng, nghe và làm theo. Theo số liệu thống kế năm 2021, hiện nay, cả nước có 29.567 người có uy tín[15]. Thực tiễn sau hơn 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín cho thấy, người có uy tín trong đồng bào DTTS có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người có uy tín thực sự là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với đồng bào các DTTS trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và đoàn kết các dân tộc[16].
- Ba là, cần có cơ chế, chính sách để huy động, thu hút đội ngũ sinh viên tại các cơ sở đào tạo luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp sẽ tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.
Thụy An

[1] Xem thêm https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/821701/chinh-sach-dan-toc-cua-viet-nam-qua-35-nam-doi-moi.aspx
[2] Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
[3] Quyết định 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012.
[4] Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017
[5] “Trực trạng chính sách dân tộc, định hướng chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025” để tuyên truyền, phổ biến, xây dựng, hoạch định, chia sẻ thông tin về hệ thống chính sách dân tộc.
[6] 40-50 người/một câu lạc bộ; là đại diện chính quyền, tư pháp, công an, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, hội cựu chiến binh xã; Đại diện một tổ chức đoàn thể ở thôn, ấp, bản, người có uy tín.
[7] Năm 2021, Bộ Tư pháp phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phóng sự “Trợ giúp pháp lý cho trẻ em” trên Kênh VTV1; phối hợp với Đài Truyền hình Quốc hội phát sóng trong Chương trình thời sự về Hội thảo “Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người nghèo và nhóm yếu thế”. Năm 2020, Bộ Tư pháp phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, thực hiện Phóng sự “Phòng, chống buôn bán người - di cư trái phép” bằng tiếng Mông và 01 Tọa đàm trong Chương trình Chính sách với chủ đề “Chuyện từ chính sách…” trên Kênh VTV5; 01 phóng sự “Trợ giúp pháp lý trong chính sách giảm nghèo” trên Kênh VTV1 trong Chương trình Quốc hội với cử tri; 01 Tọa đàm trên Truyền hình pháp luật với chủ đề “Tìm hiểu pháp luật về các quyền dân sự, chính trị đối với đồng bào dân tộc thiểu số”. Đồng thời, để giúp các Đài Phát thanh ở cấp huyện, cấp xã có tài liệu truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, Bộ Tư pháp đã xây dựng và phát hành 10 chương trình truyền thanh ở cơ sở, nội dung đề cập đến các quyền chính trị, dân sự và các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng 01 video tuyên truyền “Làm gì để được Nhà nước bồi thường khi bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra” và chuyển thể sang 03 phiên bản tiếng dân tộc thiểu số: 01 phiên bản tiếng dân tộc Mường, 01 phiên bản tiếng dân tộc Thái, 01 phiên bản tiếng dân tộc Tày.
[8] Năm 2015, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Công tác PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù – Thực trạng và giải pháp”; năm 2021,  tổ chức Tọa đàm: Giải pháp thu hút và phát huy vai trò của sinh viên luật là người dân tộc thiểu số trong công tác PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; tổ chức 15 hội nghị tập huấn chuyên sâu về thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn…
[9] Qua tổng hợp báo cáo của 37/51 địa phương có vùng DTTS&MN (Theo Báo cáo số 1170/BC-UBDT ngày 23/8/2021 của Ủy ban Dân tộc tổng kết Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021).
[10] Tổ chức 348.016 hội nghị, lớp tập huấn PBGDPL cho khoảng 9.846.083 lượt người tham dự; tổ chức 17 hội thảo cho khoảng 1.530 lượt người tham dự để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm PBGDPL; tổ chức 931 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 305.956 lượt người tham dự; xây dựng, phát sóng 36.487 chương trình truyền hình, 95.679 chương trình phát thanh (trong đó, có các chương trình truyền hình, phát thanh bằng tiếng DTTS) để nâng cao hiệu quả PBGDPL; xây dựng, nhân rộng 188 mô hình điểm ở các xã, thôn, bản về đẩy mạnh PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu, pa nô, băng rôn để PBGDPL, tuyền truyền CSDT với số lượng 2.459.866 cuốn sách, sổ tay pháp luật, 1.780.791 tờ rơi, tờ gấp, 47.015 pa nô, băng rôn (bao gồm cả tài liệu song ngữ, tài liệu bằng ngôn ngữ DTTS).
[11] Chương trình, chuyên trang, chuyên mục trên truyền hình, phát thanh, báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử, bao gồm cả các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ DTTS) với khoảng 148.055 tin, bài.
[12] Một số địa phương đã có sáng kiến mô hình ứng dụng Infographic trong tuyền truyền, PBGDPL giúp trình bày nội dung cần tuyên truyền, vận động một cách dễ hiểu, hấp dẫn, đỡ nhàm chán, thu hút sự chú ý của cán bộ, công chức và đồng bào DTTS.
[13] Như: Trà Vinh thực hiện lồng ghép nội dung PBGDPL nhân dịp mừng Tết Chôl Chnam Thmây và lễ Sêne Đolta cùng với các ngày quy y tại 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 27 cơ sở thờ tự của đồng bào Hoa và Thánh đường Hồi giáo của đồng bào Chăm; Phú Yên tổ chức 12 chương trình Giao lưu văn hóa gắn với chiếu phim tuyên truyền nội dung PBGDPL về ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật; Quảng Ninh tổ chức gần 70 buổi tuyên truyền thông qua hình thức văn hóa, văn nghệ phục vụ trên 20.000 lượt người; thực hiện trên 250 buổi chiếu phim lưu động/1 năm phục vụ cho 200-300 ngàn lượt người; tổ chức 150 buổi tuyên truyền lưu động/1 năm phục vụ cho 300-400 ngàn lượt người; Thanh Hóa tổ chức 675 buổi biểu diễn, 7.000 buổi chiếu phim, 8.832 buổi sinh hoạt về bình đẳng giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
 [14] Chương trình này có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020 kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung chính sách thành phần.
[15] Trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên có số lượng người có uy tín đông nhất. Thành phần người có uy tín được bình chọn rất đa dạng, phần lớn là các già làng, trưởng thôn, bản, cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ, người sản xuất, kinh doanh giỏi...
[16] Tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục; vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua; tích cực tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân; tham gia và vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”... giữ gìn đoàn kết dân tộc; kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư và vùng DTTS.
Các tin đã đưa ngày: