Liên kết website

Những kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

07/10/2022

Ngay sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 5345/KH-UBND ngày 26/10/2012 để tổ chức triển khai thi hành Luật, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị vũ trang, doanh nghiệp, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình. Cùng với Kế hoạch triển khai thi hành Luật giai đoạn 2012-2022, tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2013-2016 và Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh, đồng thời ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình/đề án/kế hoạch theo từng giai đoạn, định kỳ hằng năm hoặc theo từng chuyên đề và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật PBGDPL, Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; trong đó đáng chú ý là Chỉ thị số 27/CT-TU ngày 18/4/2003 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL”, Kế hoạch số 427- KH/TU ngày 20/7/2020 triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.

Một số văn bản quy phạm pháp luật cũng được tỉnh Quảng Ninh ban hành để bảo đảm triển khai thi hành Luật PBGDPL như: Nghị quyết số 212/2015/NQ- HĐND ngày 15/7/2015, Quyết định số 2728/2015/QĐ-UBND ngày 21/9/2015 của UBND tỉnh quy định một số mức chi nội dung có tính chất đặc thù trong công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là Nghị quyết số 110/2022/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh quy định một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Các đề án về PBGDPL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Quyết định sổ 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 cũng được tỉnh Quảng Ninh ban hành và triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cũng thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, đôn đốc công tác PBGDPL đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương.

Kết quả tổ chức các hoạt động PBGDPL
Nội dung PBGDPL tập trung vào các văn bản luật mới ban hành, phát sinh hiệu lực hoặc các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; pháp luật liên quan đến chủ quyền biên giới, biên đảo và lực lượng thực thi pháp luật trên biển; các điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên; Công ước, điều ước quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp... Nhiều đợt cao điểm cần tăng cường PBGDPL theo chuyên đề đã được tỉnh Quảng Ninh tổ chức thực hiện hiệu quả như đợt cao điểm phổ biến Hiến pháp nước 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, đợt cao điểm tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp vào các năm 2016, 2021; đợt cao điểm phổ biến pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch, bệnh COVID-19. Trong những năm gần đây, xác định rõ yêu cầu công tác PBGDPL cần gắn kết chặt chẽ hơn với nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tăng cường đẩy mạnh các hoạt động PBGDPL các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, đặc biệt là những chính sách đặc thù của tỉnh.

Các hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo trên cơ sở phát huy các hình thức truyền thống và tăng cường các hình thức PBGDPL ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL. Nhiều hình thức PBGDPL mới được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực như hình thức PBGDPL trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin tài liệu tiếp tục được sử dụng phổ biến, thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 36.668 cuộc PBGDPL trực tiếp, thu hút 3.766.000 lượt người tham dự.

Công tác biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu PBGDPL được tiến hành theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và yêu cầu PBGDPL của cán bộ, người dân với nhiều loại hình phong phú. Giai đoạn 2012-2022, số lượng tài liệu về PBGDPL trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được biên soạn, in ấn, cấp phát miễn phí là 18.754.646 tài liệu; trong đó gần 200.000 tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số.

Hoạt động PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng được tăng cường đẩy mạnh, bảo đảm tính lan tỏa, kịp thời; các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các hạ tầng truyền thông, nhất là hệ thống thông tin cơ sở được cải tiến, tăng cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn 2012-2022, tỉnh Quảng Ninh đã đăng tải 42.253 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát sóng 10.269.508 chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã; 2.500 tin, bài trên báo Quảng Ninh; 1.050 tin, bài, chuyên đề, phóng sự trên truyền hình kênh QNR1, QNR2. Trung tâm Truyền thông tỉnh đã đăng tải, phát sóng, phát thanh trên 10.250 tác phẩm.

Trang Thông tin điện tử về PBGDPL tỉnh Quảng Ninh được xây dựng, chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2021, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trang Thông tin điện tử về PBGDPL tỉnh Quảng Ninh đã cập nhật gần 500 tin, bài, thu hút gần 400.000 lượt truy cập, được đánh giá là công cụ đắc lực trong việc chuyển tải nội dung về PBGDPL một cách nhanh chóng, kịp thời đến cán bộ, Nhân dân.

Hình thức thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân tham gia. Từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 12.077 cuộc thi với sự tham gia của 2.084.475 người tham dự. Trong đó, nổi bật như Cuộc thi "Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015"; Cuộc thi "Công nhân lao động với pháp luật, sau giờ thứ 8"; Cuộc thi "Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về phòng, chống tham nhũng tỉnh Quảng Ninh năm 2021", Cuộc thi pháp luật trực tuyến “Tìm hiểu Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị” trên địa bàn tỉnh năm 2022”...

Hình thức PBGDPL thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở được triển khai toàn diện, rộng khắp. Giai đoạn 2013-2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thực hiện 5.323 vụ việc/5.323 lượt người; tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát miễn phí 1.447.746 tờ gấp, 65.010 cẩm nang pháp luật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người dân ở cơ sở, đặc biệt là pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng, nhà ở, chính sách ưu đãi xã hội... Công tác hòa giải đã và đang trở thành một hình thức quan trọng, hiệu quả trong hoạt động PBGDPL, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân ở cơ sở, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.544 tổ hòa giải, 8.951 hòa giải hòa giải viên; giai đoạn 2013 - 2022 đã thực hiện 20.007 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành là 16.614 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 83%.

Ngoài các hình thức PBGDPL cơ bản nêu trên, ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đã áp dụng nhiều hình thức PBGDPL khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm tình hình cụ thể. Các hoạt động PBGDPL còn được lồng ghép và gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng nông thôn mới”, "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc"..., lồng ghép với việc tổ chức Ngày Đại đoàn kết tại khu dân cư và nhiều phong trào, hoạt động xã hội khác. Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả trong công tác PBGDPL đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và phát huy như: Mô hình 02 khéo “Khéo tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên chấp hành Luật Giao thông đường bộ”, “Khéo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy” (Công an tỉnh); Mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi - một đáp án đúng”, Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa cơ sở” (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh); Mô hình “Cặp lá yêu thương” (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); Mô hình “Kể chuyện theo án” (Uông Bí, Tỉnh đoàn); “Phiên tòa giả định” (Bình Liêu); “Gia đình hạnh phúc, 5 không 3 sạch, địa chỉ tin cậy” (Quảng Yên)...

Kết quả triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Qua 10 năm triển khai thực hiện, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam đã đi vào nề nếp, mang lại những kết quả thiết thực và trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, có sức lan tỏa rộng khắp tinh thần "thượng tôn pháp luật", được cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân nhiệt tình tham gia, hưởng ứng. Một số mô hình, cách làm hay hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cũng được các cơ quan, tổ chức, địa phương nghiên cứu triển khai hiệu quả như: thị xã Quảng Yên tổ chức định kỳ hằng năm Hội thi "Thanh niên với an toàn giao thông"', thị xã Đông Triều tổ chức mô hình Ngày Pháp luật trong tuần tại xã, phường, thị trấn; huyện Ba Chẽ tổ chức "Hội nghị tọa đàm Ngày Pháp luật"; huyện Vân Đồn tổ chức hơn 50 cuộc mít tinh, diễu hành tuyên truyền Ngày Pháp luật; Công an tỉnh xây dựng phong trào "Lực lượng Công an tỉnh tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam"', Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 1.080 buổi tuyên truyền Ngày Pháp luật, thu hút 45.000 lượt cán bộ chiến sĩ biên phòng và 80.000 lượt người dân tham dự...

Kết quả công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù
Công tác PBGDPL cho người dân vùng nông thôn, dân tộc thiểu sổ, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai toàn diện, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, nhất là kể từ khi Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vùng kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miên núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành.

Việc PBGDPL cho những đối tượng này được các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai thông qua nhiều chương trình, đề án về PBGDPL hoặc gắn kết triển khai trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trong 10 năm qua, Công an tỉnh triển khai 19 mô hình an ninh trật tự tại 12.126 địa bàn vùng sâu, vùng xa; xây dựng 1.199 tin, bài tuyên truyền pháp luật. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí 500 đề cương tuyên truyền pháp luật, 40.200 tờ gấp pháp luật, 10.000 tài liệu khác cấp cho Nhân dân; xây dựng Chuyên mục "K7 chủ quyền an ninh biên giới"; phát động phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới", UBND huyện Cô Tô xây dựng mô hình "Túi sách pháp luật đi biển cho ngư dân", UBND huyện Bình Liêu xây dựng mô hình "Phiên tòa giả định"...

Hoạt động PBGDPL cho người lao động trong các doanh nghiệp được chú trọng, gắn với triển khai nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị. Liên đoàn Lao động tỉnh hằng năm tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật "Công nhân, viên chức, lao động với ngày hội toàn dân"; tổ chức gần 300 cuộc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, giải đáp pháp luật cho 24.200 lượt công nhân, viên chức, người lao động về các lĩnh vực pháp luật về liên quan đến người lao động…

Hoạt động PBGDPL cho nạn nhân bị bạo lực gia đình cũng được triển khai nghiêm túc, lồng ghép trong các chương trình, đề án, kế hoạch hằng năm của tỉnh. Sở Tư pháp tổ chức 15 Hội nghị PBGDPL về phòng, chống xâm hại trẻ em; bình đẳng giới các địa phương: Bình Liêu, Quảng Yên, Hải Hà, Đậm Hà, Hạ Long, Móng Cái... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội in ấn, phát hành 24.500 cuốn sách bỏ túi về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; gần 30.500 cuốn sách bỏ túi về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; 800 cuốn sách chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em; 4.473 áp phích tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; 1.200 áp phích phòng chống bạo lực học đường; 1.500 áp phích phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; treo 500 banner, 45 băng zôn, 04 phướn thả, in sao 376 đĩa có nội dung về Tháng hành động trẻ em, đường dây bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cấp cho các địa phương, xây dựng 02 clip về bảo vệ trẻ em để phát sóng trên Đài Truyền hình tỉnh. Tổ chức 19 cuộc truyền thông chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người, mại dâm, tệ nạn xã hội cho công nhân, người lao động và 5.600 học sinh, sinh viên các trường trung học.

Việc PBGDPL cho người khuyết tật được thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng loại đối tượng người khuyết tật. Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức từ 200 - 300 cuộc PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội, bao gồm đối tượng là người khuyết tật.

Về đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Giai đoạn 2012-2022, Công an tỉnh đã tổ chức 45 hội nghị PBGDPL cho 7.457 lượt phạm nhân; 168 lớp giáo dục pháp luật, kỹ năng sống cho 100% phạm nhân mới chấp hành án; 78 lớp giáo dục tái hòa nhập cộng đồng với 954 lượt phạm nhân; PBGDPL cho 3.287 lượt người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 4.478 lượt người bị phạt tù được hưởng án treo; 547 người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ....

Triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu 100% các nhà trường thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung pháp luật trong môn học đạo đức, môn học giáo dục công dân ở phổ thông và một số môn học khác; bảo đảm sự liên thông về kiến thức giữa các cấp học và trình độ đào tạo; kết hợp giáo dục thông qua các môn học với các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, kết hợp giáo dục chính khoá với giáo dục ngoại khoá.

Đối với giáo dục mầm non, Quảng Ninh đã triển khai việc đưa một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, gia đình, môi trường, vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm... vào các trò chơi phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo nhằm hình thành một số yếu tố tâm lý ban đầu mang tính luật. Đối với giáo dục phổ thông, việc nâng cao chất lượng dạy và học môn học đạo đức, môn học giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh. Đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen xử sự theo pháp luật của học sinh.

Công tác PBGDPL trong nhà trường còn được thực hiện dưới nhiều hình thức khác như thông qua các phương tiện nghe nhìn, các mô hình trực quan; trong đó ưu tiên thực hiện PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới thông tin nội bộ của nhà trường, đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn thanh niên, Công đoàn trong việc phổ biến pháp luật cho người học, nhà giáo, người lao động trong nhà trường như: tổ chức các lớp tập huấn, truyền tải các văn bản quy phạm pháp luật tới các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục; thường xuyên đăng tải, cập nhật lên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục những thông tin, văn bản về công tác pháp luật, các hoạt động về công tác pháp luật và các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thiết lập chuyên mục hỏi - đáp pháp luật trên Công thông tin điện tử, băng rôn, khâu hiệu; thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận hướng dẫn thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ theo vụ việc, các buổi sinh hoạt của Đoàn thể, Hội, chi hội...

Giai đoạn 2012-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức trên 50 hội nghị tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ, giáo viên; 349 buổi PBGDPL cho giáo viên, học sinh dưới hình thức tổ chức Hội thi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ; cấp phát 55.700 cuốn tài liệu về các kiến thức pháp luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em và kỹ năng sống cho trẻ em; 10.000 tờ gấp pháp luật; 70 bảng tin và hộp tin trợ giúp pháp lý trong các trường học... Đến nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đều có tủ sách hoặc ngăn sách pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh. 100% các trường trung học phổ thông đã hoàn thành việc đưa nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng tích hợp trong bộ môn giáo dục công dân./.
Đỗ Thị Nhẫn
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

[1] Giai đoạn 2012-2022, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp - Cơ qụan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành tổng cộng 03 văn bản quy phạm pháp luật; 12 kết luận/thông báo; 14 chương trình; 136 quyết định; 424 kế hoạch; 576 công văn hướng dẫn, chi đạo, đôn đốc; 86 văn bản khác để triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
 
Các tin đã đưa ngày: