Liên kết website

Cần tăng cường sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

07/10/2022

Trà Vinh là tỉnh ven biển nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 2.391 km; dân số 1.009.940 người. Trong đó: dân tộc Kinh chiếm 67,76%, dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa chiếm 0,66% và các dân tộc khác chiếm 0,05% với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Đồng bào dân tộc Khmer đại đa số theo Phật giáo Nam tông Khmer, toàn tỉnh có 373 cơ sở tôn giáo; trong đó có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer với 3.371 Chư tăng, 42 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào dân tộc Hoa và 01 thánh đường Hồi giáo trong đồng bào dân tộc Chăm. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng tiếng Khmer cho đồng bào tại địa bàn tỉnh.

Kết quả thực hiện công tác PBGDPL
(i) Với phương châm hướng về cơ sở, các cấp, các ngành trong quá trình triển khai công tác PBGDPL luôn phát huy vai trò của lực lượng tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở, trong đó có đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận động quần chúng nhân dân tham gia ứng, tuân thủ pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Việc rà soát, công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín, chức sắc, chức việc trong tôn giáo được thực hiện thường xuyên. Đối tượng tham gia lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở hầu hết là cán bộ chủ chốt của các chi, tổ, hội quần chúng trong các đoàn thể chính trị - xã hội tại các ấp, khóm và một số chức danh cán bộ không chuyên trách của Ủy ban nhân dân cấp xã.
(ii) Thực hiện Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, ngày 18/7/2014, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2014/NQ-HĐND quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 04/9/2014 về việc ban hành quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong đó có nội dung chi cho đối tượng là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
(iii) Từ năm 2021 đến nay, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện là người dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tham gia PBGDPL trực tiếp được 43 cuộc với 1.862 lượt người dự; thông qua hình thức Phiên tòa giả định được 03 cuộc với 613 lượt người dự; tổ chức PBGDPL trong đồng bào dân tộc thiểu số được 45 cuộc với 2.259 lượt người dự. Thông qua các cuộc PBGDPL tại cơ sở, vai trò, tầm ảnh hưởng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, người có uy tín, các vị chức sắc, chức việc là người dân tộc thiểu số trong công tác PBGDPL càng được khẳng định, nhất là PBGDPL trong đồng bào dân tộc thiểu số.
(iv) Bên cạnh các cuộc PBGDPL trực tiếp, công tác PBGDPL còn được kịp thời triển khai, thực hiện với nhiều hình thức như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình, truyền thanh), các hình thức sinh hoạt chính trị (hội thi, hội thảo, toạ đàm...) bằng tiếng dân tộc thiểu số và thông qua các phương tiện trực quan (khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh, ảnh... băng song ngữ Việt - Khmer); sinh hoạt chi, tổ, hội; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các đội thông tin lưu động; tham quan, thư viện; các lễ hội, các câu lạc bộ, nhóm sở thích, nghề nghiệp; các chuyên mục, chuyên trang trên website của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận...
(v) Các cơ quan công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức mới cho lực lượng người có uy tín, các vị chức sắc, chức việc trong phật giáo Nam tông Khmer về công tác PBGDPL cho đồng bào người dân tộc thiểu số, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này.
(vi) Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trà Vinh cũng rất chú trọng đến việc cung cấp thông tin cho lực lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thông qua các Bản tin, thông báo nội bộ đến tận ấp, khóm với nhiều nội dung, tin bài phong phú cùng những kinh nghiệm thực tiễn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng hệ thống chính trị quốc gia và địa phương. Đây là nguồn thông tin chính thống, quan trọng mang tính định hướng cao phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở trong các đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiệu quả tích cực mang lại
Thông qua các hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiếu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc, chức việc đã góp phần nâng cao chất lượng công tác PBGDPL ở cơ sở, tạo thuận lợi trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đời sống tại cơ sở, giúp cho tuyên truyền viên pháp luật không chỉ tuyên truyền, giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng những chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức, cảnh giác đối với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm mục đích phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... góp phần đưa tiếng nói của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, nhất là ở cơ sở; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong Nhân dân.
Vẫn còn những khó khăn nhất định
(i) Do lực lượng tuyên truyền viên pháp luật được tổ chức ở cấp cơ sở chỉ hoạt động kiêm nhiệm (trừ một số tuyên truyền viên pháp luật là cán bộ hưu trí, người có uy tín), do vậy, hoạt động của lực lượng tuyên truyền viên pháp luật còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện công tác, sinh hoạt cũng như tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình và năng lực tuyên truyền của từng cá nhân.
(ii) Việc tổ chức hoạt động tuyên truyền của các vị chức sắc, chức việc chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, các ngày lễ, hội của đồng bào dân tộc, của cơ sở tôn giáo.
(iii) Việc tiếp cận thông tin của lực lượng tuyên truyền viên pháp luật là các vị chức sắc, chức việc còn hạn chế, bất cập. 
Một số giải pháp trong thời gian tới
Một là, với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là đồng bào Khmer, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, biên dịch các tài liệu PBGDPL sang các tiếng dân tộc, trong đó có tiếng dân tộc Khmer để phục vụ cho công tác PBGDPL tại cơ sở, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
Hai là, các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cần sớm xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm ưu tiên sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tham gia thực hiện công tác PBGDPL, nhất là cơ chế, chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, nhằm khuyến khích các đối tượng trên tích cực tham gia PBGDPL hiệu quả tại cơ sở./.
Đỗ Thị Nhẫn
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: