Tỉnh Long An hiện có 04 tập huấn viên cấp tỉnh được Bộ Tư pháp quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm; cấp huyện có 60 tập huấn viên từ nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Phòng Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cấp huyện; báo cáo viên pháp luật. Toàn tỉnh hiện có 1.026 tổ hòa giải, với 6.530 hòa giải viên. Từ năm 2019 đến tháng 9 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở được 03 lớp với hơn 750 đại biểu tham dự là tập huấn viên cấp tỉnh, tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở; Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức được 47 lớp với hơn 7.550 đại biểu là tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở. Riêng năm 2020, Long An được Bộ Tư pháp quan tâm tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho hơn 300 đại biểu là tập huấn viên cấp tỉnh, huyện, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công chức Tư pháp - Hộ tịch và hoà giải viên ở cơ sở.
Tổ chức triển khai, thực hiện Đề án 428 trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên quan tâm quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; quan tâm xây dựng đội ngũ hòa giải viên có trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải để giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 428 đề ra.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phát hành 6.000 quyển Sổ tay bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trang cấp Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở đầy đủ cho Tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn, đồng thời trang cấp tài liệu bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên và các tài liệu tham khảo, hỗ trợ, phục vụ việc nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên. Đồng thời, Sở Tư pháp đã đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở, các ấn phẩm về hòa giải ở cơ sở trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở khai thác, sử dụng.
Từ khi thực hiện Đề án 428 nhận thức và ý thức của hòa giải viên ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, có bản lĩnh và có trách nhiệm trong xử lý vụ việc, từ đó số vụ việc hòa giải thành tăng so với trước đây (từ 86,1% năm 2015, năm 2022 đạt 91,2%). So với giai đoạn 2015 - 2018 thì giai đoạn 2019 - 2022 số vụ việc hòa giải ở cơ sở giảm trên 48% (cụ thể: giai đoạn 2015 - 2018 tiếp nhận 9.125 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 8.082 vụ việc, đạt tỷ lệ trung bình 88.54%; giai đoạn 2019 - 2022 tiếp nhận 4.424 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 4.060 vụ, đạt tỷ lệ trung bình 91,8%) điều đó cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở lan toả, đạt hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, việc triển khai, thực hiện Đề án 428 đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của hòa giải viên, từ chỗ các hòa giải viên trước đây (khi chưa có Đề án) khi tham gia hòa giải còn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, mặc dù được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ hàng năm nhưng khi áp dụng vào thực tiễn đôi lúc còn lúng túng, chưa có chiều sâu,… khi thực hiện Đề án 428, thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hòa giải viên thì khi tham gia hòa giải, hòa giải viên thực hiện trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn, kỹ năng thực hiện một quy trình hòa giải kỹ hơn, sâu sát hơn, nghiên cứu giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo được sự đồng thuận của các bên cao hơn. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư; góp phần vào việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư; hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,…
Phan Đức Bộ
Sở Tư pháp tỉnh Long An