Liên kết website

Ủy ban Dân tộc: 10 năm triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số

11/10/2022

Cùng với việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn phải “Xóa nghèo pháp luật” cho người dân. Qua 10 năm triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Ủy ban Dân tộc đã quan tâm, chú trọng nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân tộc thiểu số.

Việc ban hành văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời, phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW. Trong đó, giao Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012”, Đề án được kéo dài đến hết năm 2016. Để đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2021” (Đề án 1163).
Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng tham mưu ban hành một số đề án có nội dung về phổ biến, giáo dục pháp luật như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”[1]; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”[2]; chính sách “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”[3]; Đề án “Thí điểm cấp ra-đi-ô cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới”[4]; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”[5]. Đặc biệt, trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, tích hợp các chương trình, đề án, dự án có nội dung về phổ biến, giáo dục pháp luật vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025[6] để tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng, ổn định, thường xuyên (gồm Tiểu dự án 2 của Dự án 9 , Tiểu dự án 1 của Dự án 10...).
Hằng năm, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, chỉ đạo, hướng dẫn về nội dung, hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật để các địa phương tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và thành viên Hội đồng thường xuyên được kiện toàn, chủ động, kịp thời tham mưu triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật
Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực, Ủy ban Dân tộc đã thành lập Hội động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đồng thời, thường xuyên kiện toàn tổ chức của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng và Thành lập Tổ thư ký giúp việc Hội đồng nhằm đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định. Hiện nay, Hội động phổ biến, giáo dục pháp luật của Ủy ban Dân tộc có 20 thành viên.
Trong thời gian qua, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Ủy ban Dân tộc đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; chỉ đạo các Vụ, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác chuyên môn, nhất là việc triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Dự án về phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc, đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Ủy ban Dân tộc được thực hiện thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số.
Với tư cách là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã tham gia đầy đủ các Đoàn kiểm tra thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương theo sự phân công của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương và đã tổ chức kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số &MN giai đoạn 2017- 2021” tại 16 địa phương[7]. Qua kiểm tra, Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát huy nhân rộng những hình thức, mô hình hay và các giải pháp tháo gỡ giải quyết những tồn tại, hạn chế đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo đảm bảo đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả.

Nhiều hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật xác định người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đối tượng đặc thù. Ủy ban Dân tộc xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị; là một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời kỳ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Ủy ban Dân tộc đã tổ chức: (i) 150 Hội nghị, lớp tập huấn về phổ biến, giáo dục pháp luật cho 16.478 lượt cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở địa phương, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương; (ii) 21 Hội thảo với 2.620 lượt người tham gia; (3) 08 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật[8].
Xây dựng, duy trì hoạt động của 61 mô hình điểm ở xã để nắm tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chấp hành pháp luật tại địa bàn, nhất là tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống mua, bán người, phòng chống ma túy, pháp luật về hôn nhân và gia đình,... Từ đó, kịp thời tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; ký cam kết toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn xã; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cấp xã trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban đã tổ chức biên soạn, phát hành sách, sổ tay với số lượng 20.233 cuốn (16 quyển tiếng Việt), 7.500 cuốn (08 quyển tiếng dân tộc thiểu số); tờ rơi, tờ gấp với số lượng 76.000 tờ (tiếng Việt), 43.000 tờ (tiếng dân tộc thiểu số) để phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc phát cho cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp 24.300 cuốn sách pháp luật cho cán bộ ở cơ sở và đồng bào dân tộc thiểu số tham dự các hội nghị, lớp tập huấn và các mô hình, câu lạc bộ ở xã để tra cứu, sử dụng làm tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại cơ sở; sản xuất 03 bộ băng, đĩa để chiếu bóng lưu động, cung cấp cho địa phương làm tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền bằng pa nô, áp phích với số lượng 5.000 cái….
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách dân tộc trên chuyên trang “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc, chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật”, “Pháp luật và đời sống” trên Báo Dân tộc và Phát triển, chuyên mục “Góp ý hoàn thiện pháp luật” trên Tạp chí Dân tộc …, với số lượng trên 4.235 tin, bài. Đồng thời, chỉ đạo các báo, tạp chí thực hiện Quyết định 59/QĐ-TTg và Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mở các chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật, cập nhật thông tin chủ trương, chính sách và kết quả thực hiện công tác dân tốc, chính sách dân tộc trên các ấn phẩm báo, tạp chí (cấp không thu tiền). Phối hợp với Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất, phát sóng 42 chương trình truyền hình, 38 chương trình phát thanh để phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
Ủy ban Dân tộc quan tâm chỉ đạo rà soát đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận báo cáo viên pháp luật Trung ương nhằm tăng cường về số lượng, chất lượng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đảm bảo nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc có 14 báo cáo viên pháp luật Trung ương.
Các địa phương đã tăng cường xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số, có phẩm chất chính trị tốt, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương có khoảng 1.137 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.752 báo cáo viên cấp huyện và 13.115 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số.
Có thể thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã kịp thời tuyên truyền, đưa tin về đường lối, chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc đến với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số; giúp cán bộ và người dân hiểu, nhận thức đúng đắn, đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình, từ đó thực hiện pháp luật một cách tự giác, hạn chế dần tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả của pháp luật, đồng thời, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào đối với pháp luật./.
Nguyễn Thị Giang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 
[1] Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
[2] Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ
[3] Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 30/10/2013, Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 19/4/2016; Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16/01/2017; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019.
[4] Quyết định số 1860/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
[5] Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
[6] Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
[7] gồm: Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Yên Bái, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Bình Phước, Trà Vinh, Quảng Trị, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Dương
[8] 01 Hội thi Công chức, viên chức và người lao động với pháp luật tại Ủy ban Dân tộc ngày 12/11/2013; 01 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc năm 2014; 01 Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho 09 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2014; 01 cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quy định của pháp luật liên quan và chính sách dân tộc trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc” năm 2015; 01 Hội thi Tuyên truyền viên pháp luật về bình đẳng giới tại tỉnh Lâm Đồng; 02 Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số (tại Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh); 01 cuộc thi “Tìm hiểu về cải cách hành chính và phát huy sáng kiến trong cải cách hành chính năm 2019” cho toàn thể công chức của Ủy ban Dân tộc. Mỗi hội thi thu hút từ 300 đến 500 lượt người tham dự
Các tin đã đưa ngày: