Liên kết website

Đồng Nai: Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

31/08/2023

Trong những năm qua, việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Để triển khai công tác này ở địa phương, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chủ động ban hành các Kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng xấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó xác định các nhiệm vụ triển khai công tác hòa giải. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức quán triển, triển khai các nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua việc tổ chức các hội nghị tập huấn, triển khai, lồng ghép trong các hội nghị phổ biến, sinh hoạt Ngày Pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cho cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Đa phần các tổ hòa giải đều bảo đảm đúng, đủ thành phần, cơ cấu theo quy định. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, tập hợp được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong công đồng dân cư, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả; đồng thời bảo đảm được sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, đoàn thể của Nhân dân trong công tác hòa giải ở cơ sở. Lực lượng hòa giải viên đông đảo và nhiệt tình đã góp phần hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đến nay 100% ấp, khu khố có tổ hòa giải, mỗi tổ hòa giải có trung bình từ 3 đến 7 thành viên bao gồm Trưởng Ban ấp, Trưởng Ban công tác mặt trận ấp, đại diện Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi và một số người dân có uy tín tại địa phương.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 936 tổ hòa giải với 5.482 hòa giải viên. Các hòa giải viên sau khi được bầu, công nhận đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật, kỹ năng hòa giải để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng tốt hơn, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hàng năm đều được cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác hòa giải, các Tổ hòa giải thực hiện khá tốt nhiệm vụ hòa giải, trong quá trình hòa giải luôn kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật những nội dung cần thiết trong các vụ việc tranh chấp tại địa phương, giải hòa các mối quan hệ mâu thuẫn phát sinh trong đời sống Nhân dân. 100% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, 91,1% hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành. Trong 10 năm, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 21.971 vụ việc, hòa giải thành 17.978 vụ việc (đạt 81,82%); hòa giải không thành 3.983 vụ việc.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tham mưu xây dựng chuyên mục Hòa giải cơ sở trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai để đăng tải các thông tin về hoạt động hòa giải ở cơ sở, cập nhật các tài liệu liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở khai thác sử dụng.
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chỉnh quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên. Địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả, phù hợp với đối tượng hòa giải như các tổ hòa giải điển, tổ hòa giải là người có uy tín, tổ hòa giải khiểu mẫu, tổ hòa giải 05 tốt…, nhiều tổ hòa giải đạt tỷ lệ hòa giải thành 100%. Để thu hút nguồn lực nguồn lực xã hội cho công tác hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho công tác này đặc biệt là huy động đội ngũ luật sư, luật gia trong tham gia hòa giải ở cơ sở, hỗ trợ tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Bên cạnh đó các tổ chức đoàn thể ở cơ sở đã tạo điều kiện cho các thành viên của mình tham gia tích cực vào công tác hòa giải. Động viên Nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với việc xây dựng, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”.
Nhìn chung hoạt động hòa giải ở cơ sở tại địa phương đã ngày các phát huy ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng dân cư.
Nguyễn Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: