Liên kết website

Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Giang

31/08/2023

Luật Hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, giữ gìn sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau:
          Trong công tác phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, tỉnh Hà Giang đã quan tâm tổ chức 02 hội nghị trực tuyến cấp tỉnh để phổ biến Luật Hòa giải cơ sở cho gần 500 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo 193 xã, phường, thị trấn. Tại cấp huyện đã tổ chức được 45 hội nghị tuyên truyền cho trên 4.000 đại biểu là lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, Báo cáo viên pháp luật cấp huyện; Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; đại diện UBND các xã, phường, thị trấn; hòa giải viên cơ sở; giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân. Tại cấp xã, 193 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở cho trên 11.000 cán bộ, công chức, viên chức và các thành viên tổ hòa giải của các thôn, bản, tổ dân phố thuộc địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn thực biện công tác phổ biến, quán triệt Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua nhiều hình thức khác như: Tuyên truyền trên Đài phát thanh - Truyền hình huyện, thành phố với 43 tin, bài và gần 1.500 giờ truyền thanh cơ sở; tỏ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật, các cuộc họp cơ quan, tổ chức “Ngày hội Pháp luật”, thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố với gần 1.000 buổi, thu hút hơn 30.000 lượt người tham dự. Đồng thời, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, huyện đã tiến hành biên soạn và phát hành tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật như: Đề cương giới thiệu Luật Hòa giải ở cơ sở, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại - tố cáo, sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật, sách hỏi - đáp về pháp luật, tờ gấp về pháp luật.. cung cấp cho những người làm công tác hòa giải ở cơ cở như tổ viên tổ hòa giải, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ Mặt trận, đoàn thể trực tiếp tham gia hòa giải...
          Về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở  
Hằng năm, Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố hướng dẫn cấp cơ sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cùng cấp tiến hành rà soát, thống kê, kịp thời kiện toàn các tổ hòa giải và hòa giải viên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.089 tổ hòa giải với 11.554 hòa giải viên. Trong năm 10 năm, tổng số vụ việc hòa giải ở cơ sở là: 18.782 vụ, trong đó: hoà giải thành là 16.678 vụ, đạt tỷ lệ 88.7%, hoà giải không thành là 2.104 vụ, đạt tỷ lệ 11.3%.
Đội ngũ tập huấn viên hoà giải, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên được rà soát, kiện toàn, đảm bảo đầy đủ về cơ cấu, số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong thời gian qua công tác tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng, thực hiện thường xuyên. 11/11 huyện, thành phố đã chủ động tổ chức 268 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho 26.790 lượt các đại biểu là tổ viên tổ hòa giải (tiêu biểu có các huyện Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Thành phố Hà Giang). 
Công tác kiểm tra, tự kiểm tra, thống kê số liệu về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2013 đến 2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức 10 đợt kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở tại 11/11 huyện, thành phố và 50 xã, phường, thị trấn để nắm bắt những khó khăn, tồn tại, hạn chế để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ; thống kê số định kỳ số liệu về tổ chức và hoạt động của tổ chức hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Thông tư 03/2019/TT-BTP, ngày 20/3/2019 của Bộ Tư pháp.
Sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở
Công tác hòa giải ở cơ sở đã được Mặt trận các cấp quan tâm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ cấp xã lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở. Tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải, khuyến khích những thành viên của gia đình mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia tổ hòa giải. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã phối hợp với các thành viên của Mặt trận và các cơ quan liên quan như Hội Nông Dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Phòng Tài nguyên - môi trường, Phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch giám sát, lồng ghép giám sát việc thực hiện công tác PBGDPL với công tác hòa giải ở cơ sở. Ở cấp xã, UBND đã phối hợp với MTTQ cấp xã chỉ đạo tiến hành rà soát, kiện toàn tổ chức của các tổ hòa giải ở cơ sở. Trong mỗi tổ hòa giải, nòng cốt là sự tham gia của Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân...
Xác định được vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh xác định sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác này cũng như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; quan tâm, bảo đảm kinh phí và kịp thời biểu dương, khen thưởng để các hòa giải viên luôn luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Nguyễn Việt Hà 
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: