Liên kết website

Đoàn kiểm tra Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương làm việc tại tỉnh Quảng Trị

25/08/2023

Thực hiện Kế hoạch số 1961/KH-HĐPH ngày 17/5/2023, Quyết định số 1679/QĐ-HĐPH ngày 10/8/2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi là Hội đồng) trung ương về việc kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra tại tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, chiều 25/8/2023, Đoàn kiểm tra của Hội đồng trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Uỷ viên Hội đồng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Trị.

Các thành viên Đoàn kiểm tra gồm có đại diện Lãnh đạo đơn vị chức năng có liên quan của các Bộ, ngành, cơ quan: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao; Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Báo Bảo vệ pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tinh Quảng Trị, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chủ trì làm việc với Đoàn kiểm tra cùng với các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.
Tại buổi làm việc, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã báo cáo về những kết quả đạt được trong triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như tình hình hoạt động của Hội đồng thành phố năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Đồng chí đánh gia công tác PBGDPL của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, thể hiện qua một số kết quả:
Thứ nhất, lãnh đạo các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã nhận thức đầy đủ về vai trò của công tác PBGDPL trong tổ chức thi hành pháp luật; do đó, hoạt động PBGDPL luôn được chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, trên cơ sở bám sát định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ trong công tác PBGDPL, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương.
Thứ hai, xác định rõ công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do đó Hội đồng tỉnh đã phát huy được vai trò quan trọng của mình cũng như trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tham gia vào công tác PBGDPL. Hội đồng tỉnh và Hội đồng các cấp huyện đã phân công cho các thành viên thực hiện phụ trách từng lĩnh vực, từng đối tượng; các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội đồng được phân cụ thể cho từng cơ quan là thành viên Hội đồng. Các thành viên Hội đồng đã chủ động nghiên cứu, đánh giá và triển khai nhân rộng nhiều mô hình PBGDPL hiệu quả tại cơ sở như Câu lạc bộ pháp luật, “Phiên toà giả định”, “Phiên toà lưu động”, mô hình, “Cổng trường an toàn giao thông”...
 Thứ ba, nội dung PBGDPL được định hướng tập trung vào các lĩnh vực thiết thực với người dân, vấn đề dư luận xã hội quan tâm; đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, trong đó chú trọng PBGDPL trên các phương triện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin. Việc tổ chức, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được hướng dẫn cụ thể trên địa bàn tỉnh và triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, nhất là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được các ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm, triển khai.
Thứ tư, tỷ lệ hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước (95,2%).
Thứ năm, vượt qua những khó khăn về kinh tế, tỉnh đã bố trí kinh phí riêng cho công tác PBGDPL, trong đó hơn 5,1 tỷ đồng cho năm 2022. Trong 06 tháng đầu năm 2023: Kinh phí PBGDPL được bố trí cho cấp tỉnh: 3.662.110.750 đồng; trong đó, ngân sách nhà nước: 2.701.047.750 đồng; theo Chương trình đề án: 546.000.000 đồng; nguồn khác: 415.063.000 đồng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế. Đó là công tác phối hợp giữa các thành viên Hội đồng, nhất là trong cung cấp thông tin, PBGDPL có lúc chưa được thường xuyên và kịp thời. Chất lượng của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật không đồng đều, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác PBGDPL. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này còn thiếu. Việc xã hội hóa công tác PBGDPL còn khó khăn, cách thức huy động các nguồn lực xã hội hóa chưa linh hoạt...
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đã trao đổi, chia sẻ, đặt ra những vấn đề, nội dung mà địa phương cần bổ sung, làm rõ, cụ thể như một số kết quả trong triển khai các Đề án mới của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 407 và 977); phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh trong tham gia tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở; việc bố trí kinh phí tại các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; việc quản lý, đánh giá hiệu quả và hoạt động của các mô hình PBGDPL đang áp dụng tại cơ sở; tình hình triển khai Chương trình phối hợp số 162 về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao... Thành viên Đoàn kiểm tra còn chia sẻ kinh phí, một số mô hình PBGDPL hiệu quả tại cơ sở như “Câu lạc bộ hạnh phúc gia đình trẻ”, “Giáo dục đồng đẳng” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng...  Đối với mô hình Phiên tòa lưu động, Phiên tòa giả định, thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá đây là mô hình nếu được chuẩn bị và triển khai tốt thì rất có ý nghĩa, tuy nhiên cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp, Tòa án trong lựa chọn nội dung và phương pháp thực hiện để bảo đảm tính trang nghiêm của phiên xét xử, phát huy được tác dụng của mô hình này trên thực tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra ghi nhận tinh thần vượt qua khó khăn của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Trị, qua đó đã giúp công tác PBGDPL của địa phương đạt được nhiều kết quả với chuyển biến tích cực. Việc PBGDPL có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương cũng như đặc điểm của từng lĩnh vực, địa bàn và đối tượng cụ thể. Cần coi công tác PBGDPL là công việc thường xuyên và hàng ngày, được thực hiện gắn với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức và các hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri. Việc PBGDPL cần lựa chọn các nội dung pháp luật phù hợp, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ học để người dân dễ tiếp thu, dễ chấp hành. Những kiến nghị, đề xuất của Hội đồng tỉnh đã được Đoàn kiểm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng trung ương./.
 Đinh Thị Ánh Hồng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: