Liên kết website

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư

23/04/2007

Ban Bí thư Trung ương Ðảng, ngày 18-4, tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư (khóa IX) về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Tư pháp.

Dự hội nghị có lãnh đạo các ban của Ðảng, các bộ, ngành, đoàn thể ở T.Ư; Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, thành ủy, Giám đốc Sở Tư pháp của 64 tỉnh, thành cả nước cùng đại diện 15 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, phổ biến pháp luật.

Đồng chí Trương Tấn Sang nêu rõ, trong những năm qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều văn kiệncủa Ðảng đã thể hiện rõ vấn đề này. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là rất quan trọng, là nội dung cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng điều quan trọng hơn, đó là pháp luật phải đi vào cuộc sống, phải được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội. Ðể pháp luật luôn được mọi công dân tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh, việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật phải là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; việc phổ biến, giáo dục pháp luật cần được xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Nhận xét tình hình sau ba năm thực hiện Chỉ thị nói trên của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực hơn so với trước đây. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác này đang còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu đã đề ra. Vì vậy, hội nghị cần đánh giá đúng mức những kết quả đã làm được, đồng thời cũng cần chỉ ra đầy đủ những yếu kém và nguyên nhân; từ đó xác định cụ thể nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác này trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng.

Báo cáo sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 32 cũng nêu rõ, từ khi thực hiện Chỉ thị, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từng bước được nâng lên. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật. Có được những kết quả bước đầu nêu trên là do các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành đã có sự nâng cao nhận thức về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ động, tích cực, thống nhất cao hơn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 32 bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể; vai trò của cơ quan tư pháp trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp về triển khai toàn diện việc thực hiện Chỉ thị được phát huy; Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã thể hiện được vai trò phối hợp, chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể trong việc thực hiện Chỉ thị của Ðảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm, cần khắc phục như: nhận thức của một số cấp ủy đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đầy đủ, còn xem nhẹ công tác này. Chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chưa đồng đều, có nơi chưa về đến cơ sở; hình thức tuyên truyền chưa theo kịp thực tiễn...

Sau khi phân tích nguyên nhân của những việc đã làm được và những hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, hội nghị xác định giải pháp hàng đầu là nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình cơ sở để đổi mới cách thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với đối tượng, địa bàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần củng cố trận địa tư tưởng, tạo thế đứng chính trị vững chắc trên từng địa bàn.

Các cơ quan tham mưu và quản lý nhà nước về tư pháp ở Trung ương chủ trì, phối hợp với các ngành, cấp liên quan sớm tổ chức nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tăng cường tiềm lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển hệ thống thông tin pháp luật quốc gia và mạng lưới thông tin pháp luật.
Các tin đã đưa ngày: