Liên kết website

Bộ Tài chính sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW

29/12/2006

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được các cấp lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng có mối liên hệ mật thiết trong việc đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành Tài chính, là một bộ phận không thể thiếu trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cấp uỷ, chính quyền.

Qua sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân cho thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả trên các mặt sau:

- Sự đổi mới về nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo: công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được các cấp lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng có mối liên hệ mật thiết trong việc đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành Tài chính, là một bộ phận không thể thiếu trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cấp uỷ, chính quyền.

- Đội ngũ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở Bộ Tài chính về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác này như tổ chức các buổi tập huấn có chuyên gia giàu kinh nghiệm giảng dạy, cập nhật thường xuyên các tài liệu phục vụ công việc, trang bị các phương tiện cần thiết cho công tác tuyên truyền, phổ biến như máy tính xách tay, đèn chiếu...

- Về nội dung và hình thức phổ biến: Bộ đã luôn quan tâm đến chất lượng công tác PBGDPL, qua đó đã có những hình thức thích hợp phù hợp với từng loại văn bản và đối tượng thụ hưởng. Nội dung và hình thức ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu nâng cao tầm hiểu biết về chính sách, chế độ về tài chính nói riêng và pháp luật nói chung. Cụ thể Bộ đã thực hiện:

Tổ chức các buổi tập huấn, giới thiệu đến toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan Bộ; sao gửi tài liệu và hướng dẫn thực hiện PBGDPL đến cán bộ, công chức trong đơn vị hoặc trong hệ thống ngành dọc dưới các hình thức phù hợp đối với Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luât Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Thi đua khen thưởng, Bộ luật Tố tụng dân sự... (năm 2004); Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Giáo dục, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế... (năm 2005); Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh niên, Luật trợ giúp pháp lý, Luật về Luật sư, Luật Chứng khoán... (năm 2006);

Tổ chức nhiều buổi tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì, nghiên cứu soạn thảo đối với các đối tượng ngoài ngành, tổ chức giới thiệu, tiếp xúc, đối thoại theo yêu cầu của đơn vị, doanh nghiệp nhằm giải đáp khó khăn, vướng mắc về Pháp lệnh giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan... (năm 2004); Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán.... (năm 2005); Luật Hải quan, pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Chế độ kế toán doanh nghiệp, Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ...(năm 2006).

Ngoài ra, Bộ còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở các chuyên mục hoặc dành nội dung để phổ biến, giới thiệu các văn bản mới được ban hành để phổ biến giáo dục, tuyên truyền về pháp luật cho các đối tượng trong và ngoài ngành tài chính trên các báo, tạp chí của ngành và website của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ...

Từ kết quả 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Bộ đã đánh giá những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW như tính chủ động trong triển khai Chương trình Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật còn chưa cao; số lượng cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn mỏng chưa đáp ứng được hết các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và hình thức phổ biến chủ yếu vấn là các hình thức truyền thống; còn chưa thực sự sinh động, đa dạng, hiệu quả và thu hút đông đảo người tìm hiểu... Trên cơ sở đó, Bộ đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm cũng như kiến nghị tới Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp nhằm giúp cho hoạt động PBGDPL ngày càng hoàn thiện, linh hoạt và đi vào nề nếp, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Các tin đã đưa ngày: