Liên kết website

Cao Bằng: Nâng cao vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ

25/06/2022

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cao Bằng đã ký kết Chương trình phối hợp số 507/CTPH/STP-HLHPN ngày 19/6/2018 với Sở Tư pháp về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022.

Văn bản này là cơ sở để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp giữa ngành tư pháp và Hội liên hiệp phụ nữ các cấp của tỉnh Cao Bằng góp phần giúp công tác PBGDPL cho phụ nữ đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, cụ thể. Nhiều hoạt động PBGDPL cho phụ nữ đã được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh gắn với hai cuộc vận động là “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và một phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Trong thời gian qua, thông qua nhiều hình thức PBGDPL, các cấp Hội đã tổ chức 5.340 cuộc PBGDPL trực tiếp để triển khai 17 văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, trẻ em, bảo vệ môi trường, giao thông, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia, nước sạch, vệ sinh môi trường; phòng chống tệ nạn xã hội trong dịp Lễ, Tết… cho hơn 750 nghìn lượt hội viên, phụ nữ.
Hoạt động PBGDPL thông qua mô hình câu lạc bộ được duy trì định kỳ và tổ chức thường xuyên với các nội dung chuyên đề hấp dẫn, thu hút sự tham gia của nhiều chị em là thành viên, hội viên. Một số mô hình PBGDPL hiệu quả cho phụ nữ được các cấp Hội nhân rộng như “Phụ nữ với pháp luật” và “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” đã dần trở thành kênh thông tin pháp luật tin cậy cho chị em phụ nữ, đặc biệt đối với đối tượng là phụ nữ bị bạo lực gia đình.
Nhiều đề án, chương trình về PBGDPL đang được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện có hiệu quả như: (i) Tiểu Đề án 4 “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số”; (ii) Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2022” và (iii) Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Bộ Công an và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về “Quản lý và giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.
Nhìn chung, hoạt động PBGDPL của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ đã có sự phối hợp chặt chẽ với các  ngành chức năng trên địa bàn tỉnh giúp góp phần giải thích, hướng dẫn chị em phụ nữ thực hiện đúng các quy định của pháp luật; phản ánh với chính quyền về tư tưởng, những bức xúc, nguyện vọng và đề xuất biện pháp giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị em phụ nữ, góp phần thực hiện công tác giữ gìn an ninh – chính trị tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động PBGDPL cho phụ nữ của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như:
- Hoạt động PBGDPL ở một số cơ sở Hội vẫn còn mang tính phong trào, chưa đi sâu phân tích, giải thích một cách cụ thể những nội dung chủ yếu hội viên phụ nữ cần tìm hiểu, chưa xuất phát từ nhu cầu bức xúc của hội viên, phụ nữ, chưa mang tính giải đáp pháp luật từ những vụ việc thực tế. Mặt khác, việc phổ biến thường tập trung vào các bộ luật, luật, pháp lệnh, chưa chú trọng tuyên truyền các văn bản dưới luật, các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành.
- Hình thức PBGDPL tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là cấp cơ sở. Một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả, thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức, phương pháp PBGDPL phù hợp với trình độ của người được PBGDPL và đặc thù của địa bàn. Các hình thức PBGDPL mới, có hiệu quả chậm được nhân rộng.
- Nguồn nhân lực hiện có của công tác PBGDPL cho phụ nữ chưa ngang tầm nhiệm vụ và chưa đáp ứng được đòi hỏi mới của xã hội. Lực lượng làm công tác PBGDPL tuy đông về số lượng nhưng lại phân tán, số người chuyên trách không nhiều, mà chủ yếu là kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao.
- Cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác PBGDPL cho phụ nữ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc bố trí kinh phí PBGDPL ở các sở, ngành, địa phương chưa đồng đều.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cao Bằng có một số kiến nghị, đề xuất, cụ thể: (i) Tăng cường sự phối hợp của hai ngành Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong công tác PBGDPL cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; (ii) Tăng cường nhận thức trong các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể về tầm quan trọng và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác PBGDPL; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, tài liệu… để các tổ chức này thực hiện nhiệm vụ PBGDPL và (iii) Tập trung củng cố, nhân rộng các hình thức PBGDPL hiệu quả, đặc biệt là mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”.
Lưu Công Thành
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: