Liên kết website

Quảng Trị : Nhân rộng mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật”

02/07/2024

Mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật” là mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật được tỉnh Quảng Trị triển khai xây dựng từ năm 2017 trên địa bàn huyện Cam Lộ.

Khởi nguồn của mô hình này là mô hình “Dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội” được một số tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện để bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Với mục đích là giáo dục pháp luật và quản lý con em họ tộc, phòng ngừa vi phạm pháp luật, ngừa tái phạm, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã áp dụng mô hình này trên toàn huyện từ năm 2017. Theo đó, mỗi dòng họ tại thôn, bản, khu phố tại các xã, thị trấn sẽ lập cam kết dòng họ mình sẽ không có người vi phạm pháp luật”, có báo cáo kết quả thực hiện cam kết gửi Ủy ban nhân dân xã. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, các dòng họ sẽ họp, bàn, kiểm tra việc thực hiện cam kết trong dòng họ, đồng thời phổ biến, giáo dục pháp luật cho thành viên trong dòng họ, vận động con em các thành viên trong họ tộc sống và làm việc theo quy định pháp luật. Thông qua các buổi tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, các buổi tổ chức phát thưởng khuyến học cho các con em là tấm gương sáng về học tập, các dòng họ cũng nêu gương các thành viên hiếu thuận với cha mẹ, ông bà, các gia đình trong dòng họ chấp hành tốt quy định của pháp luật; vận động thành viên dòng họ xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, gây mất đoàn kết trong khu dân cư. Phương châm giáo dục con cháu sống thượng tôn pháp luật, yêu cầu các gia đình chăm sóc, dạy dỗ hiệu quả để con cháu không phạm pháp, hư hỏng được đặt lên hàng đầu nhận được sự đồng tình ủng hộ của các thành viên trong các dòng họ thực hiện mô hình này.
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, đến nay mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật” đã được nhân rộng trên toàn huyện, 08/08 xã (100%) trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình này với 80 dòng họ. Theo đánh giá, mô hình đã có tác động tích cực đến ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trên địa bàn huyện, làm thay đổi nhận thức pháp luật của người dân, tự giác trong việc sống và làm theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật, hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật, khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, an ninh trật tự được giữ vững, tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư nói chung, con em trong từng dòng họ nói riêng được gắn kết. Sau khi các dòng họ tại khu dân cư ký cam kết không có người trong dòng họ vi phạm pháp luật đã tạo được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư và được các cấp, các ngành đánh giá cao, có hiệu ứng tác động tích cực nên các dòng họ khác trên địa bàn tiếp tục thành lập mô hình và số lượng mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật” ngày càng gia tăng. Tình trạng vi phạm pháp luật tại các dòng họ có thành lập mô hình xảy ra ít hơn, các vụ việc tranh chấp xích mích được vận động, thuyết phục từ mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ, từ mâu thuẫn nhỏ được hoà giải ổn thoả.
Việc thực hiện và nhân rộng mô hình đã có ảnh hưởng tích cực đến an ninh trật tự trên địa bàn, sau khi triển khai thực hiện mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật” trên địa bàn huyện Cam Lộ, tình hình an ninh, chính trị được ổn định, tỷ lệ người vi phạm pháp luật giảm và được kiểm soát chặt chẽ hơn. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong các gia đình thuộc dòng họ của mình, các dòng họ kịp thời báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng để giáo dục, đấu tranh ngăn chặn; trường hợp vi phạm pháp luật được phát hiện, các dòng họ có trách nhiệm răn đe, giáo dục con em trong dòng họ của mình, thường xuyên nhắc nhở ông, bà, cha mẹ quan tâm ngăn ngừa, nhắc nhở con cháu trong dòng họ của mình không vi phạm pháp luật. Nhờ phát triển các mô hình dòng họ tại địa phương tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương đã được hạn chế, xây dựng các dòng họ ngày càng đoàn kết, phát triển, đồng thời góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật” có tính lan toả cao trong cộng đồng, được duy trì thường xuyên và có tính bền vững bởi mô hình này phù hợp với điều kiện sống, sinh hoạt và làm ăn của các dòng họ, phát huy được vai trò quan trọng của trưởng tộc, trưởng họ trong giáo dục con cháu, người thân trong các gia đình, họ tộc, từ đó góp phần ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn. Hiện nay, mô hình này nhận được sự hưởng ứng của thành viên trong dòng họ, khuyến khích của chính quyền địa phương và các đoàn thể, do đó tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình này trong thời gian tới đến các địa phương khác trong toàn tỉnh./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: